Phong tục tập quán
 

Cổng làng, biểu tượng lưu giữ hồn quê của đất Việt


Giữa chốn phố phường tấp nập người xe, tốc độ đô thị hóa như vũ bão, những cổng làng vài trăm năm tuổi đã không còn nhiều. Nhưng ở một số làng quê, những cổng làng rêu phong cổ kính trầm mặc bên cây đa giếng nước, xem phong thủy hữu tình chính là hình ảnh đầu tiên chào đón bao người con trở về.

cong lang tam hon nguoi viet

Cổng làng, biểu tượng lưu giữ hồn quê của đất Việt

1. Biểu tượng của quê hương

Hình tượng cổng làng là hình tượng của quê hương, xứ sở. Đây là điểm để phân biệt các ngôi làng. Là điểm ngăn cách nơi ở của cư dân với đồng ruộng, với bên ngoài. Mỗi cổng làng đều có một nét văn hóa riêng tuỳ theo đặc điểm của làng đó, biểu trưng cho sự uy nghi, nề nếp của mỗi làng quê. Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Kiến trúc cổng làng xưa không cầu kỳ, phô trương mà chỉ nhằm khẳng định chỗ đứng của mình trong khoảng không gian của làng quê.

Theo năm tháng, nhiều cổng làng được xem là di sản văn hóa, nghệ thuật, là đỉnh cao trong kiến trúc của ngôi làng Việt, phản ánh lý tưởng và chiều sâu của văn hóa cộng đồng, từ mỗi chiếc cổng làng, ta hình dung ra bộ mặt của làng xã, phía sau đó là một xã hội thu nhỏ. Cổng làng không chỉ tồn tại gắn bó với nhiều thế hệ dân làng mà còn mang ý nghĩa trong sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của con người sinh sống nơi đây.

Những nét kiến trúc, những đại tự, câu đối trên cổng làng đều có ý nghĩa dạy bảo con cháu mỗi lần đi về đọc để hiểu, để làm người. Những chữ nghĩa trên cổng làng còn để cho những người khách của làng hiểu phong tục, tập quán của làng. Các cụ có câu “nhập hương vấn tục”, đến một làng, nhìn chữ ở cổng làng để biết phong tục của làng, lễ hội, hương ước, tình cảm trong họ hàng của làng ra sao.

2. Đừng để hồn quê phai nhạt

Ngày nay, nhiều làng quê không còn giữ được cổng làng. Theo thống kê, sưu tầm của nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh, tác giả cuốn sách “Cổng làng Hà Nội xưa và nay” thì hiện tại nội thành Hà Nội còn lưu giữ hơn 100 chiếc cổng làng, đó là kể cả những chiếc đã được trùng tu sau chiến tranh. “Trên thực tế, cổng làng cổ chẳng còn lại bao nhiêu và với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì e rằng cổng làng sẽ khó mà tồn tại lâu dài”- nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh chia sẻ.

Hiện nay, tại nhiều làng xã ở Hà Nội, chương trình Xây dựng nông thôn mới đã và đang phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do chưa hiểu hết bản chất của các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về giao thông nên nhiều làng, xã đã phá hoặc có nguy cơ phá các cổng làng cổ để xây dựng đường giao thông mới. Các cổng làng còn lưu giữ hiện nay thường có chiều rộng chỉ từ 2 đến 2,5m. Để phù hợp với tiêu chí mới về xây dựng đường liên thôn, liên xã thì đường giao thông còn phải nới rộng thêm từ 1 đến 1,5m. Do đó, nếu không có các giải pháp bảo tồn thì hầu như các cổng làng cổ sẽ bị phá bỏ để xây mới.

Có một tình trạng đáng lo ngại khác đó là sự nhận thức sai lầm của người dân về văn hóa. Nhiều người cho rằng, cổng làng với lối kiến trúc và những câu đối được viết bằng chữ Hán là tàn dư của chế độ phong kiến, từ đó mà không muốn gìn giữ. Người ta phá bỏ những chiếc cổng có niên đại hàng trăm tuổi để xem ngày tốt xấu và xây mới hoặc không thì trùng tu, đại tu. Có nơi người ta thay hẳn cổng làng bằng cổng chào. Những cổng chào kềnh càng, to lớn được xây vội vã chắn ngang lối đi vào làng và trên đó là dòng chữ khô khan như “Kính chào quý khách”. Vậy là giết chết cái tinh túy, cái hồn cốt và giá trị thiêng liêng của cổng làng.

Bài toán bảo tồn cổng làng xưa trở nên nan giải hơn bao giờ hết. Mỗi cổng làng cổ như thế thường thuộc diện quản lý của một địa phương riêng, việc giữ gìn, tu sửa thường do người dân và chính quyền địa phương đó quyết định. Do không có sự đồng nhất nên việc bảo tồn thường thiếu khoa học, làm không đến nơi, mỗi nơi mỗi kiểu. Bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh cho biết: “Cổng làng được ví như hồn cốt của một làng, ngoài ra nó còn mang những giá trị văn hóa to lớn, cho nên nhất thiết phải giữ gìn. Muốn bảo tồn tốt thì cần phải có những quy định thống nhất, cần xét công nhận các cổng làng cổ thành di sản văn hóa quốc gia để có thể đưa ra những giải pháp bảo tồn có hiệu quả…”.

Những CỔNG LÀNG vài trăm năm như cổng làng Thổ Hà (Bắc Giang), cổng làng Mông Phụ (Đường Lâm, Hà Nội) vẫn là những dấu ấn văn hóa của một vùng quê. Không thể đòi hỏi các cổng làng đều cổ kính như những cổng làng cổ này, song việc bảo tồn các cổng làng có từ vài chục năm trước hay đầu thế kỷ XX cũng là cần thiết, đừng biến cổng làng thành cổng chào như ở một số làng quê.

“Vẻ đẹp của cổng làng gắn với nền văn minh lúa nước, mang tính phác họa và gợi nên những ước vọng của cộng đồng từ đời này qua đời khác. Tôi cho rằng, phía sau mỗi cánh cổng làng Việt ấy, xưa nay vẫn là sự kết nối cộng đồng gia tộc, là những nét chung về phong tục, tập quán, những nét văn hoá riêng biệt. Cánh cổng làng dù hiện hữu hay vô hình vẫn là nỗi nhớ, là hình ảnh quê hương của những người con xa xứ. 

Cổng làng không chỉ tạo nên hồn quê đất Việt mà qua dáng vẻ kiến trúc còn thể hiện chiều sâu văn hóa mỗi ngôi làng. Tôi tin ai cũng có một miền ký ức tuyệt vời về chiếc cổng làng và những kỷ niệm quý giá thời thơ ấu, ngay từ việc xây dựng cổng làng, ông cha ta đã có ý nhắn nhủ thế hệ mai sau qua kiến trúc, kiểu dáng, nét chữ, hình ảnh, ý tứ ở mỗi dòng câu đối...”, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo - tác giả của nhiều bài hát về làng quê chia sẻ.”

Loading...

TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC:

 

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC