Phong tục tập quán
 

Những phong tục CÚNG THẦN kỳ lạ nhất Việt Nam


Cúng thần là một nét đẹp trong đời sống tâm linh , là phong tục tập quán của các các tộc người trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, ở mỗi dân tộc thì hình thức và lễ vật cúng thần lại có sự khác nhau tùy theo tín ngưỡng của từng tộc người.

Phong tục Cúng thần bằng tiết canh chuột của người La Chí

Trong văn hóa tộc người, thông thường, những con vật linh thiêng phải là rồng, phượng, rùa, chim. Hoặc ít ra cũng phải là gấu, báo, hổ, sư tử… Nhưng, với người La Chí, một dân tộc thiểu số, chỉ có 8 ngàn người, sống duy nhất ở Hà Giang thì lại khác, con chuột là linh vật vô cùng linh thiêng.

Người La Chí có 3 loại lễ cúng thần rừng, lễ cúng thần tại nhà thờ ở cửa rừng mỗi năm diễn ra một lần, còn lễ cúng thần ở miếu thờ trong lõi rừng cấm thì 15 năm mới diễn ra một lần. Riêng lễ cúng Thần Rắn cứ 13 năm lại diễn ra một lần. Lễ cúng thần rừng hàng năm thì lễ vật hiến tế chính là trâu, lễ phụ là thịt chuột. Lễ cúng thần 15 năm một lần là cúng ông tổ Hoàng Dìn Thùng, nên phải cúng bò, vì ông chỉ thích ăn thịt bò.

Cũng chính vì quan niệm này mà người La Chí không nuôi bò. Họ sợ, nếu nuôi bò, mỗi khi bò kêu, ông Hoàng Dìn Thùng lại thức dậy đòi ăn thịt bò thì… sạt nghiệp. Lễ cúng thần 13 năm một lần là cúng Thần Rắn, mà rắn thích ăn chuột, nên lễ vật chính là chuột, chứ không phải trâu hay bò.

Truyền thuyết về Thần Rắn được kể như sau: Ngày xưa, có một cụ già râu tóc bạc phơ, sau nhiều ngày dạo chơi qua các bản làng thì đi vào rừng, chết luôn tại đấy và biến thành hai con rắn. Khu rừng đó được gọi là rừng Me Meo, chính là rừng cấm trên núi Lủng Cẩu bây giờ.

Những phong tục cúng thần kì lạ của Việt Nam

Trong bản có một anh đã 9 đời nghèo đói, cho dù anh cũng như tổ tiên mình đều làm việc rất chăm chỉ. Để hỏi xem vì sao cuộc đời mình cứ nghèo đói mãi vậy, anh liền đi tìm thầy mo. Khi qua rừng Me Meo, anh gặp hai con rắn. Rắn hỏi anh nhà nghèo đi đâu vậy? Anh nhà nghèo buồn tủi kể lại sự tình. Rắn nghe vậy, liền nhờ anh chàng nhà nghèo: “Ngày trước tôi đi đâu cũng được, bay cũng được, thế mà giờ không tài nào làm được gì để kiếm ăn. Nhờ anh hỏi hộ xem vì sao lại thế?”. Gặp thầy mo, kể lại sự tình của mình và hai con rắn trong rừng Me Meo, thầy mo liền bảo: “Trước đây con rắn biết bay, nhưng giờ không bay được, cũng không đi được là vì hai bên mép của chúng có hai cái răng vàng. Nhổ đi sẽ khỏi hết. Nhưng nếu nhổ răng rắn thì cỏ cây sẽ khô héo, ngô lúa cũng chết hết. Còn việc anh nghèo hay giàu thì tùy ở cách ứng xử và lòng tốt của anh”. Thầy mo chỉ nói có vậy rồi biến mất. Anh nhà nghèo trở về mà lòng buồn thảm. Đi qua rừng Me Meo, gặp hai con rắn, rắn hỏi: “Tình hình thế nào?” Anh cũng kể lại y nguyên. Nhưng anh không nhổ răng vàng cho rắn, vì làm như vậy, bản làng anh sẽ chết đói. Rắn van xin: “Nếu anh không giúp chúng ta thì chúng ta đành phải chết đói, chết khát ở khu rừng này mất rồi”. Nghe hai con rắn than thở, anh nhà nghèo động lòng thương liền nhổ răng cho rắn. Nhổ xong, hai con rắn năng động hẳn lên, nó bay nhảy khắp nơi. Để tỏ lòng biết ơn, hai con rắn đã tặng anh nhà nghèo 4 chiếc răng vàng và dặn rằng, chiếc răng vàng này sẽ giúp nhân dân được no ấm, nhưng nhân dân phải bảo vệ rừng Me Meo nơi rắn ngự trị. Anh nhà nghèo mang răng vàng về nhà, bỗng nhiên nương lúa trong bản tốt tươi, trâu bò đông đúc. Anh cũng trở nên giàu có. Từ đó, 13 năm một lần, người La Chí phải vào rừng Me Meo, tức là rừng cấm để cúng Thần Rắn.

Những phong tục cúng thần kì lạ của Việt Nam

Trong một tài liệu khá hiếm hoi nghiên cứu về văn hóa La Chí có tên “Văn hóa truyền thống của người La Chí”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy viết về lễ cúng Thần Rắn trong rừng Me Meo: “Có tới 8 thầy mo điều khiển nghi lễ. Họ được gọi là các Pô mìa nhu. Các Pô mìa nhu được phân thành hai nhóm, gồm nhóm họ Ly, họ Tận và nhóm họ vàng, họ Lùng. Mỗi nhóm gồm 4 ông Pô mìa nhu. Mỗi họ được hai người đại diện. Trong mỗi nhóm, từng người lại giữ chức vụ cụ thể và mang các tên khác nhau như: Pô ừm nhu, Pô ừm mia, Pô mìa mố và Pô ừm phi. Đứng đầu mỗi nhóm là Pô mìa nha. Ông này được coi là gốc cúng thần của mỗi nhóm.

Người La Chí tin rằng, mỗi Pô mìa nhu trông giữ một loại ma khác nhau. Ma được Pô mìa nhu nhốt trong hũ rượu. Mỗi năm Pô mìa nhu thay rượu trong hũ một lần. Mỗi lần thay rượu, phải bí mật đổ rượu cũ đi, thay rượu mới vào bằng cách rót qua sừng trâu. Ma của Pô mìa nha và Pô mìa mố là một loài rắn. Người La Chí rất sợ đi phía trước hoặc phía sau của những ông thầy mo này vì sợ rắn mổ”. Trong ngày lễ cúng Thần Rắn, đồng bào tụ tập quanh sàn cúng, được dựng giữa rừng, trước miếu thờ. Các thầy mo ngồi trên sàn cúng và thực hiện lễ cúng thần . Trước mặt các thầy mo là 2 mâm lễ. Một mâm toàn thịt chuột, với rất nhiều món đã được chế biến sẵn, như chuột hấp, chuột hầm, chuột xào mầm thảo quả. Nhiều nhất là các món chuột khô, chuột nướng. Một thứ không thể thiếu, đó là bát… tiết canh chuột!

Người La Chí cho rằng, ma gà thích ăn tiết canh gà, còn Thần Rắn thì thích nhất tiết canh chuột. Ngoài ra, còn 13 con chuột sống, đủ các loại to nhỏ, bị buộc vào dây và cột vào cọc trước sàn cúng thần . Mâm lễ thứ hai để cúng các vị thần khác ngự trong rừng, gồm chủ yếu là các món liên quan đến cá, thịt. Lễ cúng Thần Rắn với mâm thịt chuột diễn ra suốt 2 ngày, trong không khí cực kỳ trang nghiêm. Không ai cười đùa, cợt nhả. Tất cả đều hướng tâm trí về Thần Rắn và các vị thần cai quản khu rừng với sự thành kính sâu sắc. Thầy mo úp mặt xuống sàn và nói: “Ơ Thần Rắn linh thiêng! Hôm nay, dân bản làm lễ cúng các thần cai quản rừng thiêng…”.

Điều tốt đẹp nhận thấy trong lễ cúng thần rừng cũng như các lễ cúng khác của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, đó là trong bài cúng, họ luôn cầu cho đất nước, dân tộc trước, rồi mới cầu cho bản làng, gia đình và cuối cùng là bản thân.

Phong tục xé tiền cúng tảng đá trắng của người Hà Nhì

Tảng đá trắng được thờ cúng này nằm cách bản Pa Thắng (xã Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu) chừng 3,7km, được người dân Pa Thắng đời đời thờ cúng là vị thần bảo hộ.

Những phong tục cúng thần kì lạ của Việt Nam

Ông Chu Xé Lù (một người dân địa phương) cho biết, theo các cụ kể lại có một người đàn ông Hà Nhì lầm lũi đi bộ đến vùng này tìm vùng đất lập nghiệp. Lúc đi qua nơi này, tối trời, ông bèn dựa vào một gốc cây to mà thiếp đi. Trong mơ màng, bỗng thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ, râu trắng như cước chống gậy từ trên đồi đi xuống, bảo: 'Nếu muốn dựng bản làng sinh sống êm ấm, thì phải chăm lo việc thờ cúng cho ta'. Rồi ông lão vụt biến mất. Tỉnh dậy, người đàn ông bèn lần theo dấu chân ông già tóc bạc mà ngược lên ngọn đồi đất và phát hiện ra khối đá trắng này. Ông dò hỏi thì những người già từng trải nhất kể cho ông rằng, hòn đá là hiện thân của một vị thần phương Bắc. Nghe chuyện, người đàn ông tìm đất nọ vội trở về đưa vợ con, hàng xóm cùng đến đất Pa Thắng dựng bản.

Hàng năm cứ vào dịp xuân về, sau Tết Hà Nhì, trước mùa màng mới, người Hà Nhì ở đây lại làm lễ cúng thần đá trắng, cầu cho mùa màng bội thu.

Lễ vật cúng thần đá trắng không thể thiếu 1 con lợn đen, 2 con gà (tất cả đều còn sống) và 3 quả trứng nhuộm đỏ. Ngoài ra còn có 3 bát gạo, 3 bát nước chè, 3 bát rượu. Bàn thờ được làm từ 4 cành cây thẳng khỏe, còn nguyên lá chôn xuống đất, lại lấy tre giang đan phên liếp chia làm 3 tầng. Chân nhang, chai rượu, thuốc lào, thuốc lá, tiền giấy… rất nhiều, được đặt vào bất cứ đâu trên tảng đá, từ chân cho đến đỉnh.

Điều đặc biệt nữa là, những đồng tiền ấy đều bị xé đôi (nhân dân tệ) hoặc đốt mất một góc nhỏ (tiền Việt). Một số người dân địa phương cho rằng, có thể người ta sợ sau khi đặt tiền cúng lễ xong có người khác đến thu nhặt mất thì lễ vật của mình không đến được với thần nên mới có hành động trên.

Phong tục cúng thần đá của người Xí mần

Người Nùng theo tín ngưỡng đa thần, họ coi vạn vật hữu linh (mọi vật đều có linh hồn). Người Nùng quan niệm vũ trụ chia làm ba mường: Mường trời là thế giới thần tiên, mường người là mặt đất, mường âm là mường của những người sống trong lòng đất chỉ nhỏ bằng chiếc bình vôi. Vì vậy họ thờ nhiều đối tượng như: thờ cúng tổ tiên, cúng thổ công, cúng thần Rừng, cúng thần Suối. Đặc biệt, Nấm Dẩn là xã nội địa, nằm ở phía Tây Nam của huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, là xã duy nhất trong vùng có tục cúng thần Đá – ngay tại nơi Bãi đá cổ Xín Mần.

Vào ngày 2/6 âm lịch người ta chọn nơi nào có những vách đá cao sừng sững nhất trong vùng để dựng bàn thờ ngay dưới chân vách đá đó. Đàn cúng thần dựng xong, thầy cúng thần đặt mâm lên đàn cúng thần rồi để lên 01 bát nước lã, thả đồng tiền xu vào đó, 01 bát muối, 05 chiếc chén rồi thắp hương gọi thần Đá về. Thầy cúng làm thủ tục trình báo thần xong, người ta tiến hành cắt tiết lợn, gà ngay tại đó, mọi người đến dự mỗi người một việc, người thì mổ lợn, người thì nấu cơm, những người khéo tay lấy những tập giấy bản gấp đủ 12 quân giấy bạc - tượng trưng cho 12 tháng trong năm, các quân giấy bạc này trông giống như những con thuyền, để thay cho những đồng tiền trước đây.

Sau khi chuẩn bị xong đồ lễ cúng thần , thầy cúng tiến hành làm lễ cúng thần từ khoảng 11 giờ trưa đến 13 giờ chiều cùng ngày. Thầy cúng thắp 5 nén hương mời các vị thần linh về dự. Nội dung bài cúng thần đại thể: ‘‘Hôm nay, ngày lành tháng tốt dân làng mời thần Đá trời, thần vách đá cao nhất, thần vách đá hoa, thần giữ đất, giữ đá đến ăn cỗ. Cầu mong các thần phù hộ cho bà con xã Nấm Dẩn mọi người khỏe mạnh không bị ốm đau bệnh tật, mưa thuận gió hòa, lúa ngô không có sâu bệnh phá hoại, vật nuôi trong nhà sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt…”.

Loading...

TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC:

 

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC