Kinh Phật - Chú Đại Bi
 

Phật quan điểm như thế nào về việc đi chùa cầu bình an


Ngày nay trong các Phật Tử chúng ta đa phần còn chưa hiểu rõ về chữ "tu". Phần nhiều khi đến chùa qui y họ đều thầm nghĩ rằng từ đây về sau sẽ được Phật gia hộ độ cho bản thân và gia đình mạnh khỏe, bình an, mọi mong cầu sẽ được như ý nguyện, khi chết đi sẽ được Phật rước về cõi Phật chứ ít ai hiểu rằng, kể từ ngày quy y Tam Bảo nghĩa là họ đã tự mình quyết tâm chừa bỏ những thói hư tật xấu, và quyết thắng mọi tâm niệm, hành động đê hèn ác độc của mình mà tạo dựng đầy đủ phước lành để khi chết được sinh về cõi Phật. 
Họ đinh ninh trong lòng rằng , “tu” là nương tựa Tam Bảo, là van xin với Phật, là thỏa mãn mọi mong cầu, và an lành suốt cuộc đời..., nên trở thành yếu hèn ỷ lại, mất hết ý nghĩa chữ “tu”. Bởi bản chất của con người là yếu hèn, sợ hãi và tham lam, nên khi bước vào đường tu, họ thích ỷ lại, van xin và mong cầu; Chính bởi vì thế mà tinh thần tu hành của người Phật tử dần dần bị biến tướng đi. 

quan-diem-cua-phat-ve-di-chua-cau-an

 

Thường thì khi sợ hãi, mới xin che chở…

Khi gặp phải tai nạn, người ta không biết phải tìm nơi nào để ẩn náu cho được an ổn, nghe ai giới thiệu qui y với Phật sẽ được bình an, họ liền đến xin quy y Tam Bảo. Bời trong đầu họ cứ nghĩ rằng khi qui y Phật ắt sẽ được Phật che chở, cứu độ cho qua hết nạn tai.  Chính vì thế mà họ chỉ nghĩ rằng tu là van xin, cầu khẩn, chí thành khấn vái thì gọi là tu. Hằng đêm họ thắp hướng lễ Phật và cậu nguyện Phật gia hộ cho họ được mọi thứ an bình. Khi trong gia đình có người bệnh hoặc xảy ra tai nạn gì họ lại thắp hương quỳ trước bàn Phật và tha thiết van xin Phật cứu giải bệnh ách. Nếu như việc van xin nhận được kết quả tốt, họ càng tăng trưởng lòng tin Tam Bảo; trái lại, họ mất lòng tin Phật, bời vì Phật không linh ứng như sở cầu. Lúc đó cứ nghe được nơi nào linh thiêng xin gì được náy là họ liền từ giã đạo Phật để sang nơi đó cầu xin. Chính bởi họ đến với Phật bằng tâm niệm sợ hãi, nên đời tu của họ chỉ cầu được bình an, nếu như không được như ý muốn họ sẽ chạy tìm tới nơi khác để ẩn nấp. 

Vì lòng tham lam, mà xin đủ thứ

Cũng bởi lòng tham sâu đậm, nên khi quy y với Phật, không ít người vẫn một bề mong cầu thỏa mãn lòng tham, họ đến chùa không phải để học đạo tu hành mà để cầu xin. Bản thân mỗi người chỉ cần cúng Phật một bó nhang, một dĩa quả, nhưng lại xin Phật đến trăm ngàn thứ: xin Phật cho gia đình được bình an, xin cho con cái đỗ đạt, xin cho làm ăn phát tài, xin cho tai qua nạn khỏi, xin cho thân nhân quá cố được siêu sinh Tịnh độ v.v...
Họ chi ra cúng Phật quá ít, mà lại xin quá nhiều, nếu xin được như ý thì sẽ chăm chỉ đi chùa, còn nếu xin không được thì lại tìm chỗ nào linh thiêng hơn để đến mà cầu xin cho thỏa mãn. Mọi khổ đau của chúng sinh chính là do si mê tạo nên, muốn giải thoát khổ đau thì phải giác ngộ. Học hỏi giáo pháp chính là học Phật, ứng dụng giáo pháp để tu hành là tu Phật. Với tinh thần tu học này, chúng ta sẽ không tìm đâu thấy có ỷ lại, hay van xin, cầu cúng; mà sẽ thấy mỗi người trang bị sẵn ngọn đuốc trí tuệ của mình để mồi với ngọn đuốc chánh pháp của Phật.
Dù giàu hay nghèo, mọi người đều có sự quan tâm thật sự, đó là làm sao có được sự an lạc và đời sống hạnh phúc.

Vậy, làm thế nào để có cuộc sống bình an?

Chúng ta có cuộc sống không bình an là do chúng ta nhận thức về cuộc sống hình như chưa đúng, điều đó khiến cho cái nhìn của chúng ta về cuộc sống trở nên lệch lạc và méo mó. Từ đó, chúng ta có lối sống không đúng, và gây nên những bất mãn triền miên.
Từ chính sự quan sát cuộc đời của mình qua những kinh nghiệm sống (từng hưởng thụ lợi lạc, đam mê ái dục, danh lợi, quyền lực, trong cung điện và sáu năm tu khổ hạnh mà không thấy kết quả gì), đức Phật đãrút ra một kết luận, để dành khuyên người đang đi tìm Đạo: đắm mình trong dục lạc sẽ dẫn đến nguy hại, chính là một điểm nên tránh; tự hành hạ mình bằng các hình thức tu khổ hạnh nghiêm khắc, điều đó dẫn đến đau khổ, và nguy hại là một điểm không bao giờ nên làm.
Những người đắm mình trong dục lạc chính là những người quan niệm rằng “chết là hết”, họ quan niệm rằng “chỉ có một kiếp sống này thôi, nên phải hưởng thụ cho hết cuộc đời”. Những người này sẽ vội vã làm giàu, vội vã ganh đua, vội vã hưởng thụ. Và lối sống vật chất quanh cuồng không bao giờ đem đến cho họ sự bình yên, hạnh phúc.

Đạo Phật để sống chứ không phải để cầu. Đạo Phật hướng dẫn chúng ta đi chứ không hứa hẹn đưa chúng ta đến đích. Chúng ta không thể tìm thấy bình yên, an lạc chỉ bằng cách cầu nguyện. Phải tự mình nỗ lực, luôn luôn phải trau dồi thân tâm và rèn luyện tu tập, cố sức xả bỏ những tâm niệm tham sân si. Khi muốn xả bỏ như vậy, chúng ta không những cần phải kiên trì, chịu đựng mà còn phải đầy đủ nghị lực để mạnh dạn dứt bỏ những thói hư, tật xấu, chứ không phải chỉ cần vào chùa cúng bái, cầu xin chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, trợ lực cứu khổ cứu nạn là sẽ được giải thoát khỏi các khổ đau, tai ương, bệnh tật. Bình an mà chúng ta tìm kiếm đang ở chính tại đây, và lúc này.

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC