Kinh Phật - Chú Đại Bi
 

Phật giáo - Để đạt được lợi ích trong pháp tĩnh tâm


Cùng chuyên mục Kinh Phật - Chú Đại Bi tìm hiểu về phương pháp để đạt được lợi ích trong pháp tĩnh tâm.

su tinh tam trong phat giao

Để đạt được lợi ích trong pháp tĩnh tâm

Tĩnh tâm nghĩa là gội rửa thân tâm cho trong sạch, để thấy Phật và nghe được pháp âm của ngài, tiến tu đạo hạnh. Pháp tĩnh tâm giúp hành giả điều chỉnh thân của một con người không bình thường trở thành bình thường. Từ thân bình thường nâng lên thành thân phi thường, chuyển đổi tình cảm và lý trí của phàm phu thành đạo đức và trí tuệ của Thánh nhân.

Muốn thanh lọc tâm, trước tiên phải thanh lọc thân. Thanh lọc thân bằng cách tập thở cho điều hòa; vì hơi thở chi phối mạng sống của hành giả. Trước khi bắt đầu thực hành pháp tĩnh tâm, cần chuẩn bị một số điều kiện sau đây.

– Nơi hành giả ngồi tĩnh tâm phải sạch sẽ, thoáng khí để hít thở được không khí trong lành, cần thiết cho việc thanh lọc cơ thể. Những nơi thiếu vệ sinh, chật hẹp, ngột ngạt, dơ bẩn, ẩm thấp, hoặc có những chất độc hại, nhiều ruồi muỗi, không phải là nơi thích hợp cho việc điều hòa hơi thở và dễ sinh bệnh.

– Thời gian tĩnh tâm, cần chọn những lúc thật yên tĩnh, thanh vắng; không có người qua lại; không có tiếng động ồn ào; không có tiếng nói chuyện hoặc tiếng xe cộ ầm ĩ. Tất cả những tạp âm hỗn loạn bên ngoài đều gây trở ngại cho việc định tâm và suy tư.

– Trước khi ngồi tĩnh tâm, hành giả không được làm những việc quá sức về trí óc lẫn tay chân. Vì làm việc nhiều, số lượng chất hữu cơ bị đốt phải lớn và sẽ thải ra nhiều thán khí. Lúc ấy, phải thở nhanh và mạnh, mới kịp tống khứ những chất độc ra ngoài. Vì thế, hành giả ngồi tĩnh tâm ngay, thì hơi thở nhẹ và chậm, sẽ không đủ sức để thải ra ngoài những thán khí độc hại còn tích tụ trong máu. Điều này khiến cho hành giả cảm thấy đầu óc lừ đừ, mê mệt, bị tức ngực, hay tay chân rã rời, v.v…

Vì vậy, nếu hành giả có làm việc hơi nặng nhọc, thì trước khi tĩnh tâm, cần làm động tác như sau. Hít thở độ năm đến mười hơi cho mạnh, để tống khứ hoàn toàn ra khỏi cơ thể những thán khí độc hại. Sau đó, mới bắt đầu từ từ thở nhẹ lại.

Tuy nhiên, không nên đang từ giai đoạn thở thật mạnh chuyển sang thở chậm ngay. Ở khoảng giữa chuyển tiếp, phải thở nhịp độ trung bình của lúc thở nhanh và lúc thở chậm; để tránh sự mất thăng bằng cho nhịp đập của tim. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với những hành giả khi vào tĩnh tâm, mà thân tâm chưa ở trạng thái bình thường, nên phải điều chỉnh như vậy.

Sau khi đã chuẩn bị xong chỗ ngồi tĩnh tâm, thời gian tĩnh tâm và điều chỉnh hơi thở, không cho rơi vào trạng thái bất thường nêu trên; hành giả bắt đầu thở nhẹ và quán tưởng theo phương pháp sẽ nói dưới đây.

Riêng đối với những hành giả đang tu pháp kinh hành niệm Phật và trở về ngồi tĩnh tâm, thì thân tâm họ đã được điều chỉnh bình thường ngay trong lúc đi kinh hành. Họ không cần áp dụng phương pháp hít thở mạnh trước nữa. Phương pháp điều chỉnh hơi thở sẽ diễn tiến như sau.

Khi ngồi tĩnh tâm, lưng hành giả phải thật thẳng. Ngồi thẳng lưng giúp cho máu cũng như không khí lưu thông trong cơ thể được điều hòa dễ dàng. Bàn tay trái của hành giả đặt lên bàn tay phải, tượng trưng cho ý nghĩa nội bí ngoại hiện. Nghĩa là bên ngoài hành giả có thân tướng bình thường như mọi người; nhưng bên trong nỗ lực tu hành, trau giồi đạo đức, luôn mang tâm niệm xây dựng an vui cho mọi người. Dù hành giả thành tựu nhiều việc lợi ích và công đức rộng lớn đến đâu, cũng không khoe khoang, không tự mãn, vẫn giữ hạnh khiêm tốn và một lòng trau giồi giới hạnh.

Khi ngồi tĩnh tâm, cổ của hành giả cũng phải thẳng. Mắt nhìn xuống đất trước mặt, cách hành giả độ một thước; vì tầm nhìn quá gần dễ bị mỏi mắt. Mắt mở khoảng một phần ba của mắt mở bình thường là thích hợp nhất và cũng tiêu biểu cho đôi mắt từ bi của Đức Phật. Hành giả không nhắm mắt; vì mắt nhắm lại, dễ làm hành giả buồn ngủ và mắt mở to dễ bị tán loạn, khó định tâm. Khi mắt đã chọn được điểm nhìn vừa vặn, thích hợp, hành giả tập trung cái nhìn vào điểm cố định; không liếc qua liếc lại, để tránh không bị loạn tâm.

Để tôn trọng sự yên tịnh cần thiết trong lúc tĩnh tâm của đạo tràng, cũng như để bảo đảm điều kiện vệ sinh tối thiểu cho đại chúng, những hành giả bị cảm, sổ mũi, ho, v.v…, nói chung hành giả không được khỏe, hoặc bị bệnh truyền nhiễm, thì không nên ngồi tĩnh tâm chung với đại chúng. Vì khi hành giả nhảy mũi, ho, hay lắc lư thân người, cựa quậy hoài, để sửa đổi thế ngồi, sẽ làm động chúng và gây trở ngại cho việc quán tưởng của mọi người; chưa kể đến việc lây bệnh cho người khác.

Điều chỉnh dáng ngồi cho ngay thẳng, vững vàng xong, hành giả bắt đầu điều chỉnh hơi thở, từ từ hít vào thật nhẹ. Hít thở vàocàng nhẹ và kéo dài lâu càng tốt; từ mười giây đến nửa phút là tốt nhất. Hít vào nhẹ nhàng để không khí di chuyển trong phế quản một cách bình thường, đều đặn, không làm tổn thương các tế bào của phế quản. Hít vào thật lâu cho lồng ngực nở ra, chứa đầy không khí.

Hít vào xong, hành giả ngưng lại một giây, cho không khí đi cùng khắp buồng phổi đầy đủ; rồi từ từ thở ra. Thở ra cũng phải thật nhẹ nhàng và kéo dài lâu như lúc hít vào, để hoàn toàn thải sạch thán khí dơ bẩn ra ngoài.

Thở ra xong, hành giả cũng nghỉ một giây, rồi lại tiếp tục từ từ hít không khí vào. Lúc hít vào, hành giả đừng hít mạnh; vì hít mạnh, phế quản sẽ tiếp nhận một lực tác động quá mạnh, không tốt cho phổi. Cũng vậy, lúc thở ra, đừng thở quá nhanh và ngắn, sẽ không thải được hết những thán khí còn sót trong buồng phổi.

Khi hít hơi thở vào, hành giả không được lấy sức kéo bụng lên, nâng ruột lên và thở ra, không được dồn hơi hạ xuống ruột. Thở sai như vậy, một thời gian sẽ bị đau ruột.

Hơi thở dồn dập, không đều, lúc nhanh lúc chậm; hoặc hít vào lâu, thở ra mau, hay ngược lại, hít vào mau, thở ra lâu; hoặc có cảm giác tức ngực, khó thở, đau bụng, chóng mặt. Tất cả cách thở như vậy đều là những trạng thái bất thường, không tốt. Điều chỉnh thân không đúng pháp, nếu tiếp tục tĩnh tâm theo cách ấy, ít lâu sẽ sinh ra vô số bệnh.

Hành giả hít vào và thở ra chậm rãi, nhẹ nhàng, đều đặn bằng nhau, giúp cho nhịp tim điều hòa. Và nhờ đó, lượng máu lưu thông trong cơ thể cũng điều hòa, thanh lọc được những chất không cần thiết và máu đi đều khắp thân thể. Vì vậy, hành giả không cảm thấy tê chân tay, hoặc khó chịu bất cứ phần nào trong thân thể.

Điều chỉnh hơi thở cho được bình thường, khỏe mạnh, chỉ là giai đoạn đầu theo thuật dưỡng sinh của thế gian; không phải là mục tiêu tĩnh tâm của hành giả. Vì có mạnh khỏe đến đâu, rồi cũng phải bỏ xác thân này; cho nên hành giả cần bước sang giai đoạn hai để điều chỉnh tâm.

Sau khi điều chỉnh hơi thở đều đặn, hành giả bắt đầu cột tâm vào hơi thở. Không cho tâm nghĩ tán loạn, bằng cách một hơi hít vào và thở ra thì đếm một và hơi thở kế tiếp, đếm hai. Cứ tiếp tục đếm như vậy cho đến hơi thở thứ mười và hành giả sẽ đếm lại từ đầu; không để lầm lộn.

Vừa đếm vừa theo dõi hơi thở, không cho tâmnghĩ việc khác, là pháp quán sổ tức. Pháp quán này chỉ nhằm giúp hành giả tập trung vào việc trụ tâm, nên chưa phải là trạm dừng chân. Khi áp dụng pháp quán sổ tức thuần thục, nghĩa là tâm an định dễ dàng rồi, hành giả tiến sang tu pháp quán khác.

Hành giả ngồi yên, tĩnh tâm, bắt đầu suy nghĩvề lời dạy nào đó của Đức Phật, hay nhớ đến công hạnh của vị Bồ tát mà hành giả có độ cảm, hoặc liên tưởng đến thế giới Phậtmình ưa thích. Tất cả hình ảnh thánh thiện của Phật, Bồ tát, hay lời dạy cao quý của các ngài, đều là đại tiền đề cho hành giả tập trung, suy tư; để tạo thành thắng phước nhân duyên giữa hành giả và các ngài.

Tu tập pháp quán thuần thục giúp cho tâm hành giả thanh tịnh, sáng suốt. Càng quán tưởng, tâm hành giả càng mở rộng theo hạnh nguyện và việc làm của các ngài.

Tóm lại, tĩnh tâm để tu tập pháp quán là một trong những pháp mà hành giả lựa chọn, suy tư và thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, nhằm mang đến an lạc, giải thoát cho chính bản thân và cho những người xung quanh.

Trên bước đường tu hành, tùy trình độ tu chứng khác nhau, mà hành giả có pháp quán đổi khác. Tuy nhiên, dù quán bất cứ pháp nào, mọi gia công tu quán trong thời tĩnh tâm đúng pháp phải mang lại cho hành giả trí tuệ sáng suốt, thân thể khỏe mạnh, tánh tình diệu hiền, hài hòa với mọi người. Ngoài ra, hành giả luôn có tâm nguyện đem phước lạc đến cho người và thể hiện tâm nguyện ấy bằng những việc làm tốt đẹp để tạo lập một gia đình hạnh phúc, xây dựng đoàn thể phát triển và rộng hơn, kiến tạo một xã hội thái bình, thịnh vượng, mọi người biết thương yêu nhau.

Đạt được mục đích này, hành giả đền đáp được ơn lớn của Đức Thế Tôn và thể hiện một cách thiết thực bổn hoài của Đức Phật hiện hữu trên thế gian vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.

Phật giáo - Thần Chú Lăng Nghiêm tiếng Việt
 
Phật giáo - Thần Chú Đại Bi tiếng Phạn
 
Công năng oai lực của Thần Chú Chuẩn Đề
 
Phật giáo - Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân
 
Lời Phật dạy trong việc nuôi dạy con cái

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC