Kinh Phật - Chú Đại Bi
 

Phật giáo - Kinh Nhân Quả Thiện Ác


Cùng Lichvansu tìm hiểu về hệ thống kinh Phật cũng như chi tiết bài Kinh Nhân Quả Thiện Ác

kinh nhan qua thien ac 

Kinh Nhân Quả Thiện Ác

KINH NHÂN QUẢ THIỆN ÁC

Dịch giả: Tỷ-kheo Thích Giác Quả

Tôi nghe như vậy: Một thời đức Phật đang lưu trú tại nước Xá-vệ, trong vườn cây của Thái tử Kỳ-đà và ông Cấp-cô-độc. Bấy giờ, đại chúng gồm vô lượng Bồ-tát, trời, người đang ngồi xung quanh đức Phật. Đức Phật thuyết pháp, đại chúng nhất tâm lắng nghe.

Lúc ấy, ngài A-nan vì chúng sanh mà bạch đức Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Hiện tại trong thế gian có vô số chúng sanh, xét riêng về loài người thì có người đẹp, kẻ xấu; người mạnh, kẻ yếu; người giàu, kẻ nghèo; người khổ, kẻ sướng; người sang, kẻ hèn; tâm ý, ngôn ngữ sai biệt. Lại có người sống đến trăm tuổi chưa chết, kẻ ba mươi đã mất; người mười lăm tuổi đã yểu mạng, kẻ chết từ trong bào thai. Có người tướng tốt đoan trang mà nghèo hèn, có kẻ tướng xấu thô tháo lại giàu sang. Có người cương nghị mà địa vị hạ liệt, có kẻ nhu nhược mà ở địa vị cao quý. Có người nghèo khổ mà sống lâu, có kẻ giàu vui mà lại chết sớm. Có người làm lành mà gặp tai họa, có kẻ làm ác mà được lợi lộc. Có người mập trắng mà đôi mắt gian xảo, có kẻ gầy đen mà đôi mắt hiền từ. Có người thấp lùn mà đầy đủ ý khí, có kẻ cao lớn mà bị người sai khiến. Có người con cháu đông đúc, có kẻ lại cô đơn một mình. Có người xa quê lang thang đói lạnh tiều tuỵ, có kẻ được vào cung vua cơm áo dư thừa. Có người nhỏ thì nghèo hèn, về già lại được giàu sang. Có người sự thật là vô tội mà lại bị nạn tù đày. Có người cha hiền con hiếu đàm luận nghĩa kinh. Có người anh em chống nhau, tranh cãi, gây sự. Có người định cư nhà cửa đầy đủ phương tiện, có kẻ du cư không nhà trôi nổi khắp nơi. Có người ở trên cây như chim, ngủ trong hang như nai, sống như cầm thú. Có người ăn lông ở lỗ, không biết chữ nghĩa. Có người ngồi không mà hưởng phước báo, có kẻ rong ruổi làm khách không nhà. Có người thông minh sáng suốt, có kẻ ám độn ngu si. Có người phải buôn bán mới được tiền tài, có kẻ không làm mà của cải tự đến. Có người giàu mà xan tham keo kiết, có kẻ nghèo lại ưa thích bố thí. Có người nói phô hoà kính, có kẻ phát lời gai gốc. Có người được thương kính, có kẻ bị xa lánh. Có người làm lành bảo vệ chúng sanh, có kẻ sát sanh không xiết. Có người tâm niệm rộng rãi được nhiều người thân cận, có kẻ bỏn sẻn bị thiên hạ bỏ rơi. Có những anh em thường ganh ghét nhau, có những chị em dâu thường hoà thuận. Có người thích nghe kinh pháp, có kẻ nghe kinh lại buồn ngủ. Có người vũ phu vô lễ, có kẻ chuộng học lễ nghĩa.

Ngưỡng cầu Thế Tôn giảng rộng về Nhân quả, đại chúng nghe hiểu sẽ nhất tâm hành thiện.

Đức Phật bảo A-nan: Như ông đã hỏi, sở dĩ đời này mọi người thọ báo không giống nhau, bởi lẽ đời trước họ dụng tâm sai khác nên khi lãnh thọ có ngàn sai vạn biệt:

* Đời này, người tướng tốt đoan chánh là do đời trước đã nhẫn nhục mà được, kẻ tướng xấu thô tháo là do sân hận gây nên.

- Người bần cùng là do xan tham, người cao quý là do lễ bái, kẻ hạ tiện là do kiêu mạn.

- Người cao sang là do cung kính Tam Bảo, kẻ thấp hèn là do khinh khi Phật pháp.

- Người hung dữ là do đời trước làm lang sói, kẻ đen gầy là do che ánh sáng của Phật.

- Người không có con cái là do giết hại chim non, kẻ nhiều con là do bảo vệ mạng sống cho chúng sanh.

- Người sống lâu là do lòng từ bi, kẻ chết sớm là do thường sát sanh.

- Người giàu to là do thích bố thí, kẻ nhiều xe ngựa là do dâng cúng xe ngựa cho Tam Bảo.

- Người thông minh là do thường học hỏi, tụng kinh; kẻ ám độn là do xuất thân từ súc sinh.

- Người làm tôi tớ là do quỵt nợ, kẻ hiếu động là do đời trước làm khỉ, vượn.

- Người bị ghẻ lở là do phá hoại Tam Bảo; kẻ tay chân to nhỏ, ngắn dài không đều là do trói chân tay chúng sanh.

- Người sáu căn đầy đủ là do đã vâng giữ Giới luật, kẻ sáu căn không đủ là do phá Giới.

- Người có môi dính nhau là do nếm thức ăn trước khi dâng cúng.

- Người có mặt ửng đỏ là do tiếc nuối ánh sáng của lửa.

- Người có mắt như chim sẻ là do đã may mắt chim ưng.

- Người câm là do phỉ báng Phật pháp.

- Người điếc là do không thích nghe giảng Pháp.

- Người mũi tịt là do đốt hương hôi cúng Phật.

- Người sứt môi là do xỏ mang cá.

- Người tóc cháy là do quay heo.

- Người vành tai sức là do đâm lỗ tai.

- Người thân hình như rắn là do mặc quần áo mỏng đường đột đến trước tượng Phật.

- Người da đen là do để tượng Phật ở mái hiên bị khói xông.

- Người khập khễnh là do thấy Sư trưởng mà không đứng dậy.

- Người lưng gù là do mặc quần áo mỏng mà xây lưng với tượng Phật.

- Người trán vồ là do thấy Phật không lễ bái mà lấy tay vỗ trán.

- Người cổ ngắn là do thấy bậc Tôn trưởng lại rụt cổ rồi lánh đi.

- Người đau tim là do châm chích thân thể chúng sanh.

- Người bệnh cùi là do cướp đoạt vật dụng của kẻ khác.

- Người bệnh suyễn là do mùa đông mà cho kẻ khác ăn thực phẩm nguội lạnh.

- Người bị bướu cổ là do ăn lén, ăn vụng.

- Người hơi thở hôi là do chửi rủa kẻ khác.

- Người nam căn khiếm khuyết là do đã thiến chó.

- Người lưỡi ngắn là do ở chỗ vắng mắng lén bậc Tôn trưởng.

- Người có tánh xấu là do đời trước làm rắn, bò cạp.

- Người dơ bẩn là do đời trước làm heo.

- Người thích nhảy múa là do đời trước làm diễn viên.

- Người tham lam nhiều là do đời trước làm chó.

- Người thường sân hận, kén ăn là do đời trước điên cuồng.

- Người có đôi mắt bất chánh là do đời trước thường nhìn lén vợ con kẻ khác.

Đức Phật dạy tiếp:

* Người tà dâm với vợ hay con của kẻ khác chết đọa làm vịt, ngỗng.

- Người tà dâm trong vòng thân tộc, chết đọa làm chim sẻ.

- Người tiếc nuối kinh sách, che giấu trí tuệ không cho kẻ khác, chết làm mối, mọt.

- Người thích mang cung tên, đi xe ngựa, chết đọa vào các nước man-di, biên địa.

- Người thích săn bắn, sát hại, chết làm loài lang sói.

- Người thích cài trâm, giắt hoa, chết làm chim chào mào.

- Người thích mặc áo quần dài, chết đọa vào các loài đuôi dài.

- Người nằm mà ăn, chết đọa làm loài heo.

- Người thích mặc áo quần sặc sỡ, chết đọa làm loài chim nhiều màu sắc.

- Người giả giọng kẻ khác, chết đọa làm loài vẹt.

- Người hay trêu chọc, đùa giỡn, chết đọa làm loài trăn có nọc độc.

- Người hay làm kẻ khác phiền não một cách vô lý, chết đọa làm sâu bọ độc hại.

- Người hay báo những tin xấu, chết đọa làm chim cú.

- Người hay nói lời gây nên tai họa, chết đọa làm chồn, cáo.

- Người hay khủng bố kẻ khác, chết đọa làm hươu nai.

- Người hay mang guốc gỗ vào điện Phật, chết đọa làm các loài bị đóng móng chân.

- Người hay hạ phong, chết đọa làm con bọ hung.

- Người hay dùng chày cối của chúng Tăng, chết đọa làm con bửa củi.

- Người hay bớt xén thức ăn của kẻ khác, chết đọa làm côn trùng mổ gỗ.

- Người ăn trộm nước của chúng Tăng, chết đọa làm cá rùa.

- Người làm bẩn đất chúng Tăng, chết đọa làm côn trùng ở cầu tiêu.

- Người trộm cướp hoa quả của chúng Tăng, chết đọa làm côn trùng ăn bùn đất. Trộm cắp tài sản của chúng Tăng, chết đọa làm loài bò, lừa kéo cối xay. Cưỡng đoạt vật dụng của chúng Tăng, chết đọa làm loài ngựa, trâu kéo vật nặng. Mắng chửi chúng Tăng, chết đọa làm côn trùng ở cổ con bò. Ăn rau cải của chúng Tăng, chết đọa làm sâu ở cây nghễ. Ngồi trên giường chúng Tăng, chết đọa làm con giun đất. Dùng những vật liệu lặt vặt của chúng Tăng, chết đọa làm con thiêu thân.

- Người mang trâm bằng xương vào chùa chết làm chim mỏ dài. Vào chùa xoa son, bôi phấn, chết đọa làm chim mỏ đỏ. Vào chùa mặc áo quần sặc sỡ, chết đọa làm chim màu vàng. Vợ chồng ngủ trong chùa, chết đọa làm côn trùng có mào màu xanh. Ngồi duỗi chân ở tháp Phật, chết đọa làm lạc đà. Mang giày dép vào Tịnh xá, vào tháp chết đọa làm con ếch. Nghe pháp nói xàm, chết đọa làm con chim trăm lưỡi. Làm ô uế Tỷ-kheo ni thanh tịnh, chết đọa vào địa ngục hầm sắt, có ngàn vạn vòng đao cùng chặt chém thân thể.

Bấy giờ, ngài A-nan bạch đức Phật: Như lời Thế Tôn dạy, tội chướng của con người thật là sâu nặng. Như vậy, người đến chùa cần phải làm gì để có công đức?

Đức Phật bảo: Những người đến chùa có hai thứ tâm niệm, một là tâm thiện, hai là tâm ác.

Thế nào là tâm thiện?

- Người đến chùa nếu thấy Phật thì lễ bái, thấy Tăng thì cung kính, thưa hỏi nghĩa kinh, thọ Giới, sám hối, bỏ tài vật phụng sự Tam Bảo, hộ trì Đại pháp không tiếc thân mạng. Người như vậy bước một bước là đến thiện xứ, đời sau được Quả báo như cây Đề-ca. Đây gọi là người lành tối thượng.

Thế nào là tâm ác?

- Người đến chùa kề cạnh chúng Tăng để xin vật này, mượn vật nọ; hoặc tìm điều hay điều dở của chúng Tăng để phá hoại. Hoặc dùng thức ăn của chúng Tăng không biết xấu hổ, hay lấy các thứ bánh trái, rau cải, thức ăn giấu giếm đem về nhà.

Những người như thế, chết đọa vào địa ngục viên sắt nóng, nước sôi, lò than, núi đao, rừng kiếm. Đây gọi là người ác tột cùng.

Đức Phật bảo A-nan: Hãy răn dạy hàng đệ tử đời sau của Ta, phải cẩn thận đối với Tam Bảo, chớ phạm những lỗi lầm trên, hết lòng chí thành sùng bái, chớ sanh tâm thối lui. Nếu nghe lời Ta, khi ngài Di Lặc xuất thế chắc chắn sẽ được hoá độ.

Đức Phật lại dạy tiếp:

* Đời này lột áo kẻ khác, chết đọa vào địa ngục giá lạnh, sau đó lại sanh làm loài tằm bị luộc rồi kéo tơ.

- Đời này không thắp đèn để chiếu sáng Kinh, Tượng, chết đọa vào địa ngục đen tối của Thiết Sơn.

- Đời này nấu, giết, chặt đứt thân mạng của chúng sanh, chết đọa vào núi đao, rừng kiếm.

- Đời này đuổi bắt chim, chó hoặc săn bắn, chết đọa vào địa ngục cưa sắt.

- Đời này làm nhiều hạnh tà vạy, chết đọa vào địa ngục giường sắt, cột đồng.

- Đời này cưới nhiều vợ, chết đọa vào địa ngục cối xay bằng sắt.

- Đời này lấy nhiều chồng, chết đọa vào địa ngục rắn độc.

- Đời này nấu, thiêu gà; chết đọa vào địa ngục sông tro.

- Đời này nấu, thiêu vịt, heo; chết đọa vào địa ngục nước sôi.

- Đời này thiến chó hoặc heo, chết đọa vào địa ngục đá nhọn.

- Đời này uống rượu say sưa, cuồng loạn; chết đọa vào địa ngục uống nước đồng sôi.

- Đời này chặt đứt thân mạng chúng sanh, chết đọa vào địa ngục bánh xe sắt.

- Đời này trộm trái cây của chúng Tăng, chết đọa vào địa ngục nuốt viên sắt nóng.

- Đời này ăn thịt heo, chó; chết đọa vào địa ngục phân, tiểu.

- Đời này ăn cá sống, chết đọa vào địa ngục núi đao, rừng kiếm.

- Đời này làm mẹ kế hà khắc con chồng, chết đọa vào địa ngục xe đốt nóng.

- Đời này nói hai lưỡi gây rối loạn, chết đọa vào địa ngục cày sắt.

- Đời này ác khẩu mắng người, chết đọa vào địa ngục rút lưỡi.

- Đời này nói láo nhiều, chết đọa vào địa ngục đinh sắt.

- Đời này sát sanh để dâng cúng quỷ thần, chết đọa vào địa ngục chày sắt.

- Đời này làm phù thuỷ nói dối gạt người lấy của, chết đọa vào địa ngục núi đá.

- Đời này làm phù thuỷ cố tình gạt người nói rằng, lên trời tìm linh hồn người chết; chết đọa vào địa ngục chặt lưng.

- Đời này làm phù thuỷ dạy người sát sanh để cầu thần linh, cầu thần hoàng, thổ địa hay cầu ma quỷ.v.v. đều là dối gạt kẻ ngu; chết đọa vào địa ngục búa chặt; bị ngục tốt chém, bị loài chim mỏ sắt móc mắt.

- Đời này làm phù thuỷ chôn cất người, đoán điềm họa phước, cát hung của dòng họ, an định vườn nhà, yểm chết trùng, trừ tai họa, dối gạt kẻ ngu lấy của. Những người như thế, chết đọa vào địa ngục sắt đồng, có nhiều chim thú dữ bu quanh thân thể, khoét móc da thịt, gân xương, thống khổ vô cùng.

- Đời này làm thầy thuốc đoán sai bệnh, gạt kẻ khác lấy của; chết đọa vào địa ngục kim châm, toàn thân phát cháy.

- Đời này phá hoại chùa, tháp, hành hạ Tăng- Ni, bất hiếu cha mẹ, chết đọa vào địa ngục A-tỳ. Trước hết phải trải qua tám địa ngục lớn, một trăm ba mươi sáu địa ngục nhỏ, sau đó rơi vào địa ngục A-tỳ một kiếp, hai kiếp hay năm kiếp mới được thoát ra. Nếu may mắn được gặp Thiện tri thức để phát tâm Bồ-đề; trái lại bị rơi vào địa ngục.

- Đời này phá tháp, hủy chùa, dấu tài sản của Tam Bảo để tiêu xài, chết đọa vào địa ngục A-tỳ. Ra khỏi địa ngục thì làm thân súc sinh, như chim bồ câu, chim sẻ, vịt, le le, chim két, chim sẻ xanh, cá, rùa, khỉ, nai, hươu. Nếu được sanh làm người thì làm dâm nữ hay bị lại cái (bán nam bán nữ).

- Đời này ưa thích sân hận, chết đọa làm rắn độc, sư tử, cọp, sói, gấu, mèo rừng, chim ưng, diều hâu.

- Đời này ưa thích nuôi heo, gà; chết đọa làm cai ngục.

- Đời này ngu si, không hiểu đạo lý; chết đọa làm voi, heo, bò, dê, trâu, chí, rận, kiến, muỗi v.v. Nếu được làm người thì bị điếc, mù, câm, gù, cụt, què, các căn không đủ, không thể nghe Phật pháp.

- Đời này kiêu mạn chết đọa làm côn trùng ở nhà xí, hoặc làm lạc đà, lừa, ngựa, chó ngao. Nếu được làm người thì làm tôi tớ, bần cùng, ăn xin, bị người khinh khi.

- Đời này làm quan ỷ thế lấy tài sản của dân, chết đọa vào địa ngục núi da, trăm vạn người lột da để ăn.

- Đời này ưa thích bắt kẻ khác đứng để chết, khi chết đọa làm voi trắng, chân thẳng không nằm ngủ được.

- Đời này phá trai, ăn ban đêm, chết đọa làm ngạ quỷ, trăm ngàn vạn năm không được ăn uống, khi bước đi đầu lóng chân bốc lửa.

- Đời này ưa thích ngồi loã hình, chết đọa làm loài cú vọ.

- Đời này giấu thực phẩm trai phạn để ăn lén, chết đọa vào địa ngục sắt nóng; nếu được làm người thì bị bệnh nghẹt yết hầu, chết yểu.

- Đời này lễ Phật không sát đất, chết đọa vào địa ngục treo ngược; nếu được làm người thường bị kẻ khác lường gạt.

- Đời này lễ Phật không chắp tay, chết sanh vào vùng biên địa, làm gì thì mất nhiều công sức mà chẳng có thu hoạch.

- Đời này chấp tay cao lễ Phật, chết đọa vào địa ngục bị trói, bị treo; nếu được làm người thường gặp tai nạn bất ngờ.

- Đời này chắp tay chí tâm lễ Phật sát đất, chết được sanh chỗ tôn quý, có nhiều điều vui.

- Đời này nghe chuông không ngồi dậy, chết đọa làm con rắn thân dài lớn, bị các loài côn trùng rúc rỉa.

- Đời này bênh vực vợ (chồng), mắng chửi cha mẹ, chết đọa vào địa ngục bị cắt lưỡi.

- Đời này thêm nước vào rượu để bán, chết đọa làm côn trùng trong nước; nếu được làm người thì bị trướng, chết ngạt.

Đức Phật dạy tiếp:

* Người thân thể cao to, mạnh mẽ mà sân hận khó bỏ là do đời trước làm lạc đà.

- Người thích đi, ăn nhiều, gặp chỗ nguy hiểm không tránh là do đời trước làm ngựa.

- Người chịu được nóng lạnh mà tâm vô ký là do đời trước làm bò.

- Người cống cao không biết xấu hổ, nghĩ nhiều về luyến ái, không biết phải quấy là do đời trước làm lừa.

- Người thích ăn thịt, làm việc không sợ sệt là do đời trước làm sư tử.

- Người thân cao lớn, mắt tròn, thích đi chỗ vắng vẻ, ganh ghét vợ (chồng) con là do đời trước làm cọp.

- Người lông dài, mắt nhỏ, không thích ở một chỗ là do đời trước làm chim.

- Người tánh tình lật lường, thích sát hại chúng sanh là do đời trước làm chồn, cáo.

- Người mạnh mẽ, ít dâm dục, không yêu thương vợ (chồng) con là do đời trước làm lang sói.

- Người không thích mặc đẹp, thường bắt kẻ gian, giận nhiều, ít ngủ là do đời trước làm chó.

- Người dâm ô, thường bàn chuyện nam nữ yêu đương là do đời trước làm chim két.

- Người thích ở chỗ đông đúc, lời nói phần nhiều làm phiền não kẻ khác là do đời trước làm chim bồ chao.

- Người thân nhỏ, tính dâm, tâm không ổn định, thấy sắc đẹp bị mê hoặc là do đời trước làm chim sẻ.

- Người có mắt đỏ, răng ngắn, khi nói hay khạc nhổ, khi ngủ nằm cuốn tròn là do đời trước làm rắn.

- Người nói phô thường nóng giận, không hiểu nghĩa lý hay phát lửa sân là do đời trước làm bò cạp.

- Người sống riêng lẻ, ăn nhiều, đêm ít ngủ là do đời trước làm mèo rừng.

- Người thường đục tường ăn trộm, tham tài, không có thân thuộc là do đời trước làm chuột.

Đức Phật dạy A-nan: Ta đã nói rằng, tất cả những khổ đau đều do hành động (Nghiệp) của mười điều ác. Nghiệp ác nặng nhất thì đọa vào địa ngục, nghiệp ác trung bình thì đọa làm súc sinh, nghiệp ác nhẹ hơn thì đọa làm ngạ quỷ.

Trong đây:

+ Tội sát sanh đưa chúng sanh đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Nếu được làm người thì bị hai thứ Quả báo: một là chết yểu, hai là nhiều bệnh.

+ Tội trộm cướp đưa chúng sanh đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Nếu được làm người thì bị hai thứ Quả báo: một là nghèo hèn, hai là tài sản bị tịch thu, không tiêu xài được.

+ Tội tà dâm cũng bị đọa vào ba ác đạo (địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ). Nếu được làm người thì bị hai thứ Quả báo: một là vợ (chồng) không trung thành, hai là vợ (chồng) tâm ý bất hoà, hay cãi lộn nhau.

+ Tội vọng ngữ cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thì bị hai thứ Quả báo: một là thường bị phỉ báng, hai là thường bị nhiều người lường gạt.

+ Tội nói hai lưỡi cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thì bị hai thứ Quả báo: một là quyến thuộc bị phá hoại, hai là quyến thuộc hung dữ.

+ Tội ác khNu cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thì bị hai thứ Quả báo: một là thường nghe tiếng dữ, hai là nói gì thường bị cãi lại.

+ Tội ỷ ngữ cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thì bị hai thứ Quả báo: một là nói điều gì đúng cũng không được ai tin, hai là nói gì cũng không thông tình đạt lý.

+ Tội tham dục cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thì bị hai thứ Quả báo: một là tham của cải không biết chán, hai là ham muốn nhiều mà không được toại nguyện.

+ Tội sân nhuế cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thì bị hai thứ Quả báo: một là thường bị kẻ khác moi móc, hai là thường bị kẻ khác não hại.

+ Tội tà kiến cũng bị đọa vào ba ác đạo. Nếu được làm người thì bị hai thứ Quả báo: một là thường bị sanh vào gia đình tà kiến, hai là tâm thường siểm nịnh.

Các Phật tử! Đó là con đường mười tội ác, là Nhân duyên hội tụ các điều đau khổ.

Bấy giờ, trong hội chúng có những người đã làm mười điều ác ấy, được nghe đức Phật dạy về những Quả báo khổ đau ở địa ngục, đều rống khóc và bạch đức Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Chúng con phải làm những việc lành gì để tránh khỏi những khổ đau ấy?

Đức Phật dạy: Nên bảo tất cả chúng sanh cùng làm việc phước. Thế nào là việc phước?

* Nếu chúng sanh nào, đời này làm Đại Hóa chủ như lập chùa, xây tháp thì đời sau chắc chắn sẽ làm Vua thống lãnh vạn dân, đi đâu cũng được mọi người phục tùng.

- Đời này làm Thị trưởng trung chánh, làm Duy na hay Luận chủ thì đời sau sẽ làm Vương thần, Tướng soái thống lãnh cả châu bộ, đầy đủ mọi y phục, xe ngựa; các phương tiện cần thiết tự nhiên sung mãn.
Đời này hướng dẫn mọi người làm các công đức thì đời sau sẽ làm Trưởng giả giàu sang, được tôn kính, mọi việc làm đều thuận tiện, không bị trái chống.

- Đời này thắp đèn và bảo vệ ánh sáng thì đời sau sẽ được sanh lên cõi trời Nhật Nguyệt, thân thể phát chiếu ánh sáng rực rỡ.

- Đời này ưa thích bố thí với tâm từ bi và bảo hộ chúng sanh, đời sau ở chỗ nào cũng được giàu sang, y phục thực phẩm đầy đủ.

- Đời này ưa thích bố thí thực phNm cho mọi người thì đời sau sanh ở chỗ nào, thực phNm tự đến, sức khỏe và sắc đẹp hoàn hảo, thông minh biện tài, tuổi thọ dài lâu. Nếu bố thí cho súc sinh thì phước báo gấp trăm lần. Bố thí cho Nhất xiển- đề thì phước báo gấp trăm ngàn lần. Bố thí cho Pháp sư giảng pháp Đại thừa, trình bày những tạng bí mật của Như Lai, giúp đại chúng phát khởi trí tuệ thì hưởng phước báo vô lượng. Bố thí cho đức

Phật, Bồ-tát thì hưởng phước báo vô tận. Lại nữa, bố thí cho ba đối tượng này cũng hưởng được phước báo vô cùng tận; đó là: thứ nhất, chư Phật; thứ hai, cha mẹ; thứ ba, người bệnh. Chỉ cần bố thí một bữa ăn, phước báo đã vô lượng rồi, huống gì thường xuyên bố thí thì phước báo làm sao cùng tận được.

- Đời này ưa thích tán thán, đọc tụng kinh pháp sẽ được giọng nói hoà nhã, dịu hiền, ai nghe cũng hoan hỷ.

- Đời này ưa thích trì Giới sẽ được sanh vào gia đình đoan chánh hoàn hảo.

- Đời này ưa thích đào giếng nơi công cộng, đặt nước uống dọc đường, trồng cây gây bóng mát; đời sau sẽ được làm Vua, đồ ăn thực trăm vị tùy sở thích, muốn là có ngay.

- Đời này ưa thích in chép kinh điển, phổ biến cho mọi người đọc, sẽ được sanh làm người biện tài, Phật pháp vừa nghe liền thông đạt, thường được chư Phật, Bồ-tát hộ trì. Đây là người tối thắng, thường làm thượng thủ.

- Đời này ưa thích làm cầu, làm thuyền đưa người sang sông, sẽ được sanh vào gia đình đầy đủ bảy vật báu, mọi người ai cũng cung kính, chiêm ngưỡng, vui mừng, đi đâu cũng được mọi người hộ vệ.

Đức Phật bảo A-nan: Như Ta đã nói Nhân quả của từng vấn đề trong Kinh để khuyên chúng sanh đọc tụng, tu hành nhằm thoát khỏi khổ đau, tai nạn. Nếu ai nghe Kinh này mà khinh chê thì lưỡi người ấy rụng liền trong đời này.

Bấy giờ, ngài A-nan bạch đức Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này gọi là gì? Làm sao để tu tập?

Đức Phật bảo A-nan: Kinh này tên là Nhân Quả Thiện Ác, Cũng gọi là kinh Bồ-tát Phát nguyện Tu hành; cứ như vậy mà thọ trì.

Khi đức Phật giảng Kinh này xong, trong hội chúng có tám vạn người phát tâm Vô thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, trăm ngàn người nữ chuyển thành nam tướng, một ngàn hai trăm người ác độc chuyển thành người thiện lương, chứng quả Vô sanh nhẫn, luôn được an lạc tự tại. Những người này sau khi chết được sanh về các Tịnh độ, làm bạn với chư Phật, Bồ-tát.

Đến đây, tất cả đại chúng trở về trú xứ của mình và thực hành lời dạy của đức Phật.

Ý nghĩa người xuất gia đốt hương trên đầu

Phật giáo - Nghi thức thọ bát quan trai giới

Ý nghĩa của việc ăn chay trong Phật giáo

Phật giáo - Câu chuyện về con nhện ở miếu Quan Âm

Nghi thức lễ cầu siêu cho thai nhi (còn trong 49 ngày)

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC