Kinh Phật - Chú Đại Bi
 

Sự ra đời của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện


Bộ Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói về công đức, oai lực của Bồ Tát Địa Tạng thường được các chùa chiền tự viện tại các quốc gia theo khuynh hướng Đại Thừa khai tụng trong suốt tháng bảy, đặc biệt là vào dịp lễ Vu Lan, tức là mùa báo hiếu cha mẹ, tổ tiên theo truyền thống của người con Phật.

su ra doi cua kinh dia tang bo tat bon nguyen

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

1. Lý Do Ra Đời Của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện được mở đầu bằng câu nói quen thuộc của Ngài A Nan: "Ta nghe như vầy", có nghĩa là bộ kinh Phật này đã được Ngài A Nan ghi nhớ lại lời Phật giảng dạy và sau đó truyền tụng cho đại chúng. Ngay điểm mở đầu này có thể tạo nên một số nghi hoặc đối với đại chúng nhất là những người có một số hiểu biết về lịch sử Phật giáo, vì ai cũng biết rằng Ngài A Nan chỉ đắc quả A La Hán và đạt được thần thông sau khi Phật nhập diệt, chỉ vài giờ trước khi Ngài Ma Ha Ca Diếp triệu tập Đại Hội tăng già kết tập kinh điển lần thứ nhất. Như vậy, với tư cách là một phàm tăng, người ta tự hỏi, làm sao ngài A Nan có thể đi cùng với Phật lên cung trời Đao Lợi để nghe Phật thuyết pháp? Tuy nhiên, để giải tỏa mối nghi ngờ này, ta nên hiểu rằng, trước khi nhận làm thị giả chính thức cho Đức Phật, Tôn giả A Nan đã ra 8 điều kiện và được Phật chấp nhận, trong đó điều kiện thứ tám nêu rõ:"Nếu Đức Thế Tôn thuyết pháp trong lúc A Nan Đa vắng mặt, thì ông xin Đức Bổn Sư lặp lại bài pháp ấy cho ông nghe".

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện do Đức Phật Thích Ca diễn nói tại cung trời Đao Lợi, tức là từng trời thứ hai trong sáu từng trời của cõi Dục giới nơi mà Thánh Ma Gia, thân mẫu của Đức Phật đã thác sanh về đây sau khi hạ sanh Đức Phật được 7 ngày. Trước khi nhập Niết Bàn, vì cảm ơn đức sanh thành, Đức Phật đã diễn nói kinh Địa Tạng tại pháp hội ở cung trời này. Như vậy, Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện ra đời trước tiên là do lòng hiếu thảo của Đức Phật đối với bậc sanh thành, Ngài đã tưởng nghĩ đến mẹ khi biết rằng mình sẽ không còn trụ thế bao lâu nữa nên đã lập pháp hội tại cung trời Đao Lợi để độ thoát cho thân mẫu.

Đây là một pháp hội vô cùng quan trọng vì có sự hiện diện đông đủ của chư Phật khắp mười phương thế giới, chư Đại Bồ Tát như Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền... cùng các chúng Trời, Rồng, Quỉ, Thần khắp các cõi. Diễn nói Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện trong pháp hội này vì thế mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Là bậc Cha lành trong bốn cõi, không một việc làm nào dù nhỏ hay lớn mà Đức Thế tôn lại không nghĩ đến lợi lạc của tất cả pháp giới chúng sanh. Trong pháp hội này Ngài vì thân mẫu mà thuyết pháp nhưng động cơ chính vẫn là lòng từ bi lân mẫn đối với chúng sanh ở cõi ta bà, đặc biệt đối với những chúng sanh cang cường đầy tội khổ, khó khai hóa mà Ngài biết chắc chắn là sẽ "bị đọa vào đường dữ chịu nhiều sự thống khổ", vì thế trong pháp hội này Ngài đã phó chúc cho Bồ Tát Địa Tạng nhiệm vụ "gắng độ chúng sanh trong cõi Ta bà đến lúc Phật Di Lặc ra đời, đều đặng giải thoát, khỏi hẵn các điều khổ, gặp Phật, được Đức Phật thọ ký". (Quyển Thượng - Phẩm Thứ Hai: Phân Thân Tập Hội).

Như vậy nội dung chính yếu của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện xoay quanh chữ Hiếu, nói lên những bổn phận, nghĩa vụ của người sống đối với người đã qúa vãng, cũng như nêu bật những tội phúc quả báo ở kiếp sống bên kia để người Phật tử nương theo kinh này cùng dựa vào oai lực độ trì, gia hộ của Bồ Tát Địa Tạng để tu tập, hầu độ thoát cho chính mình, cho người thân cũng như tất cả chúng sanh đã quá vãng khỏi rơi vào con đường ác.

>> Tìm hiểu thêm thuật xem ngày tốt xấu

2. Hành Trạng Và Đại Nguyện của Bồ Tát Địa Tạng

Bồ Tát Địa Tạng là nhân vật như thế nào mà lại được Đức Phật giao phó một trọng trách lớn lao và khó khăn như thế?

Bồ Tát Địa Tạng là một vị Đại Bồ Tát thường được nhắc nhở đến trong rất nhiều kinh điển Đại thừa vì công năng, oai lực của vị Bồ Tát này vô cùng lớn lao. Nếu chúng ta tôn xưng Đức Từ Phụ là Ta Bà Giáo chủ thì Bồ Tát Địa Tạng cũng đã được tôn xưng như là vị U Minh Giáo Chủ, tức là người tiếp trợ, giúp đỡ các chúng sanh ở thế giới bên kia, tức là cõi âm. Ngài là nơi nương tựa, nguồn an ủi của những oan hồn vất vưởng không nơi nương tựa đến những linh hồn vì ác nghiệp bị giam giữ và trừng phạt tận các tầng địa ngục. Tên gọi của Ngài cũng đã mang một ý nghĩa như thế. Địa là đất cũng có nghĩa là dày chắc, Tạng là cất giấu, chứa đủ. Danh hiệu của Ngài hàm ý rằng Ngài là đại địa bao la, nơi ẩn chứa những kho tàng qúy giá, tức thiện căn. Địa Tạng vì thế như là hình ảnh của một người mẹ thiên nhiên ôm ấp, bảo bọc, che chở tất cả muôn loài không phân biệt. Chẳng thế mà Đức Thế Tôn đã lên tiếng tán dương: "Địa Tạng! Địa Tạng! Thần lực của ông không thể nghĩ bàn, đức từ bi của ông không thể nghĩ bàn, trí huệ của ông không thể nghĩ bàn, biện tài của ông không thể nghĩ bàn."

Bồ Tát Địa Tạng đã đạt đến quả vị này là do một phát tâm từ bi dõng mãnh muốn cứu vớt tất cả những khổ đau của chúng sanh, đặc biệt là những chúng sanh đang chịu khổ nạn trong địa ngục, được huân tập qua một quá trình tu tập trải qua hằng hà sa số kiếp, trong đó một vài kiếp nổi bật đã được Đức Phật nhắc lại trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện như sau:

Vị Trưởng giả dưới thời Phật Sư-Tử Phấn-Tấn Cụ-Túc Vạn-Hạnh Như-Lai: Trong kiếp này Ngài là một vị Trưởng giả, đã lập nguyện độ thoát tất cả chúng sanh bị khốn khổ mới chứng thành Phật đạo.

Hiếu nữ Bà La Môn dưới thời Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật: Trong kiếp này Ngài là một thiếu nữ Bà La Môn hết lòng sùng kính Tam Bảo nhưng bà mẹ lại là một người mê tín tà đạo khinh chê Tam Bảo. Vì ác nghiệp này mà sau khi chết bà đã bị đọa vào địa ngục vô gián. Tuy không biết mẹ mình thác sanh về nơi nào nhưng Thánh nữ?biết rằng với những tội lỗi mà bà đã gây ra, chắc chắn sẽ bị đọa vào con đường ác. Là một người con hiếu thảo, đau lòng vì thương nhớ mẹ, Thánh nữ đã tu tạo phước lành và cầu khẩn oai lực của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật giúp đỡ. Nhờ đó mà thân mẫu của bà chẳng bao lâu sau đã được vãng sanh lên cõi trời. Từ đây Thánh nữ lập nguyện: "Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát."

Vị tiểu vương dưới thời Phật Nhất-Thiết-Trí Thành-Tựu Như-Lai: Trong kiếp này Ngài là quốc vương của một nước nhỏ, thương yêu dân như con, luôn thực hành mười hạnh lành làm lợi ích cho nhân dân. Tuy nhiên dân chúng của vương quốc này tánh tình rất ngang ngược, hung ác. Do đó Ngài đã phát nguyện rằng: "Nếu chưa độ hết những chúng sanh tội khổ đều đặng an vui chứng quả Bồ-Đề, thời tôi nguyện chưa thành Phật."

Hiếu nữ Quang Mục dưới thời Phật Thanh-Tịnh Liên-Hoa-Mục Như-Lai: Cũng như câu chuyện của Thánh nữ Bà La Môn, Quang Mục là một thiếu nữ rất hiếu thảo đối với mẹ. Sau khi mẹ mất, nàng băn khoăn không biết mẹ mình nay đã thác sanh về đâu. Nhờ lòng hiếu thảo và công đức cúng dường một vị La Hán đầy phước đức, Quang Mục biết được mẹ đang chịu khổ nạn tại địa ngục do hai tội ác giết hại sanh vật và chê bai mắng nhiếc người khác gây ra lúc còn tại thế. Do phước lực của nàng và oai lực của Phật Thanh-Tịnh Liên-Hoa-Mục Như-Lai, bà mẹ sau đó đã phải trở lại đầu thai vào làm con của người đầy tớ trong nhà Quang Mục chịu kiếp hạ tiện cho đến năm 13 tuổi mới được vãng sanh về cõi trời. Nàng Quang Mục vì thương mẹ mà đã phát nguyện rộng lớn như sau:

"Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm ngàn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh, và ngạ quỉ, v.v...

Những kẻ mắc phả tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới trở thành bậc Chánh Giác."

Đức Thế Tôn đã vì mẹ mà tìm đến cung trời Đao Lợi. Tôn giả Xá Lợi Phất trước khi biết mình sắp nhập Niết Bàn đã quay về mái nhà xưa để độ thoát cho mẹ già. Trong những câu chuyện về tiền kiếp của Bồ Tát Địa Tạng được Đức Phật nhắc lại ở trên, hai hình ảnh nổi bật nhất vẫn là hai thiếu nữ hiếu thảo hết lòng cứu mẹ. Chữ Hiếu như thế, rất quan trọng trong đạo Phật. Biết thương yêu mẹ mới biết thương yêu chúng sanh. Hiểu được những nỗi khổ mà mẹ đang chịu đựng mới có thể hiểu được những nỗi khổ của chúng sanh. Từ đó mới phát đại nguyện cứu vớt chúng sanh. Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng khi đã chia xẻ kiếp người, cũng chia xớt với chúng ta những tình cảm như thế, cho nên chúng ta, những người con Phật, những hiếu tử, có ai nghĩ về mẹ mà không nước mắt rưng rưng? Nhưng làm thế nào để giúp mẹ, để cứu vớt những người thân trong lúc lâm chung hay đã qua đời? KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN cùng với công năng, oai lực của Bồ Tát Địa Tạng sẽ giúp ta thực hiện được điều đó.

Các nghi thức trong Lễ Vu Lan

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC