Kinh Phật - Chú Đại Bi
 

Ý nghĩa hồi hướng theo Kinh Hoa Nghiêm


Cùng Lichvansu tìm hiểu về hệ thống Kinh Phật - Công năng tụng Chú Đại Bi cũng như ý nghĩa của việc hồi hướng theo Kinh Hoa Nghiêm.

y nghia hoi huong trong kinh phat giao

Ý nghĩa hồi hướng theo Kinh Hoa Nghiêm

Ý nghĩa chân thật của pháp tu hồi hướng được diễn tả trọn vẹn trong phẩm thập Hồi hướng của Kinh Hoa Nghiêm sẽ được triển khai sau đây dưới ba dạng là hồi hướng Pháp giới chúng sinh, hồi hướng Vô thượng Bồ đề và hồi hướng Chơn như thật tướng.

1. Hồi hướng Pháp giới chúng sinh

Chúng sinh chỉ cho các sinh vật mà từ hình dáng cho đến sinh hoạt và tâm tưởng đều hoàn toàn khác biệt. Vì không giống nhau, nên gọi là "chúng”, nói chung là chúng sinh, hay chúng hữu tình. Ở đây chúng ta giới hạn Pháp giới chúng sinh trong phạm vi của loài người mà thôi.

Theo Phật dạy về lý nhân duyên, con người hiện hữu do nhân duyên kết hợp ngũ uẩn mà thành, gồm có sắc uẩn là yếu tố vật chất và thọ, tưởng, hành, thức là yếu tố tinh thần.

Đức Phật tuy cũng mang thân ngũ uẩn như chúng ta, nhưng ngài đạt quả vị Toàn giác. Vì ngài biết nương theo sự thay đổi không ngừng của ngũ uẩn để tu tập. Qua một quá trình điều chỉnh thân tâm, kết hợp được sức mạnh vật lý và tâm linh của ngũ uẩn thân, ngài có được thân vật chất đầy đủ tướng hảo và tinh thần hoàn toàn minh mẫn.

Trái lại, chúng sinh muôn đời khổ đau trong tử sinh luân hồi, vì luôn buộc chặt thân ngũ uẩn của mình bằng sợi dây tham dục và vô minh tà kiến. Như vậy, thế giới chúng sinh là thế giới cấu tạo toàn bằng tham dục và mê lầm của con người. Hiện hữu và sinh hoạt trong thế giới nhiều sai lầm này, chúng ta tu hồi hướng Pháp giới chúng sinh. Nghĩa là đầu tư cho mọi người có một nhận thức thực tế đúng đắn, xa lìa tham vọng. Vì chúng ta nhận chân được mọi xấu xa trên cuộc đời này đều phát sinh từ lòng dục vọng và ngu si.

Như Đức Phật dạy Rathapala: "Thế gian thiếu thốn, khát khao và bị nô lệ cho dục vọng”. Nói chung, tham dục là lòng tham không đáy, làm nhân phát khởi cho những hành động bất thiện, bồi đắp cho những quyền lợi ích kỷ cá nhân. Nó là nguồn gốc của mọi sự tranh giành, cướp bóc lẫn nhau, làm phát sinh hận thù và xung đột.

Đó cũng là biểu hiện của vô minh, hay ngu si mê lầm, xây dựng không thật, đánh giá không đúng. Tất nhiên, chỉ chuốc lấy thảm bại, giống như người xây lâu đài trên cát.

Nếu mãi chìm đắm trong mê lầm và tham vọng, sẽ đưa đến tình trạng thật tệ hại. Mọi người tự tranh chấp với nhau, đến độ tất cả đều rơi vào hố thẳm của sự cô lập hoàn toàn, không còn ai hoạt động được gì nữa. Kinh Pháp Cú nói rõ về sự tai hại của các hành động bắt nguồn từ vô minh, tham sân si:

Không có lửa nào như lửa tham
Không có ngục tù nào như lòng sân
Không có lưới nào như vô minh
Không có dòng sông nào như ái dục.

Đức Phật dạy bước theo con đường Bồ tát đạo, hành giả phải loại trừ những nhận thức mê lầm, gạt bỏ lòng tham ái và dục vọng ích kỷ. Được như vậy, mới trở thành người sáng suốt, hành động đúng đắn, hợp tình hợp lý trong mối quan hệ giữa ta và người, cũng như giữa ta và xã hội.

Hồi hướng cho Pháp giới chúng sinh, người Phật tử phải biết quên mình, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung của xã hội; sẵn sàng giúp đỡ người bằng lòng từ, hết lòng thực hiện điều thiện. Phải biết sống "Vì mọi người” với ý thức sâu sắc rằng hạnh phúc an lạc của chính ta không thể tách rời hạnh phúc an lạc chung của xã hội. Vì mọi người, vì xã hội đã hàm chứa đầy đủ ý nghĩa vì bản thân của chính mình.

Thật vậy, theo Đức Phật dạy trên cuộc đời này, muôn sự muôn vật tương quan tương duyên chặt chẽ lẫn nhau. Chúng ta nhận chân rằng hạnh phúc an lạc tùy thuộc vào sự tu tập của riêng mỗi người; nhưng nó cũng chịu sự tác động, chi phối của môi trường xã hội bên ngoài. Khi xã hội còn nhiều hiện tượng tiêu cực, tệ ác, thì hạnh phúc an lạc của mỗi người còn bị hạn chế và đe dọa.

Do đó, những tồn tại tệ ác, xấu xa trong xã hội là mối quan tâm hàng đầu của Bồ tát. Và hàng hàng lớp lớp Bồ tát tu tập cũng nhằm thủ tiêu những sai trái mê lầm này.

Chúng sinh chưa phát tâm Bồ đề càng nhiều, nó càng nhiễu hại ta. Vì thế, hồi hướng chúng sinh chính là hồi hướng cho chính ta. Vì ta không thể tìm được sự yên thân, hạnh phúc bằng cách lo thủ phận cho cá nhân, hay thu mình trong phạm vi gia đình. Trái lại, phải tích cực đóng góp vào công trình chung, xây dựng phát triển xã hội. Vì trong lợi ích chung của xã hội có lợi ích của bản thân mình.

Và xa hơn nữa, dấn thân hành Bồ tát đạo, chúng ta có trách nhiệm dìu dắt, nâng đỡ người bằng như ta. Đến khi mọi người thành Phật, ta mới thật sự đạt được quả Vô thượng Đẳng giác.

Cuộc đời của Đức Phật trong 80 năm trụ thế là tấm gương sáng thể hiện sự hoạt động không ngừng nghỉ, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh. Và trước khi rời bỏ huyễn thân, ngài còn nhắc nhở chúng ta rằng phục vụ chúng sinh là tối thượng cúng dường chư Phật.

2. Hồi hướng Vô thượng Bồ đề

Vô thượng Bồ đề là trí giác và Đức Phật đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn, gọi là đắc quả Vô thượng Bồ đề.

Chúng ta tu tập hồi hướng Vô thượng Bồ đề nhằm dồn tất cả nỗ lực, tâm sức cho sự phát triển trí tuệ, hay tri thức. Từ đó, trang bị cho ta một phương pháp tư duy đúng đắn, đưa đến nhận thức sáng suốt, thấy biết tất cả một cách chính xác như Đức Phật.

Ý thức rằng đi trên lộ trình Phật đạo không gì khác hơn là con đường dẫn chúng ta đến vị trí sáng suốt hoàn toàn. Từng bước chúng ta sửa đổi nhận thức mê lầm thành hiểu biết sáng suốt. Đức Phật dạy rằng chúng ta và ngài bình đẳng như nhau qua câu nói: "Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh”. Mọi người đều có khả năng chuyển mê thành ngộ. Đức Phật khẳng định khả năng vô tận của trí tuệ, của nhận thức con người có thể nắm bắt được chân lý khách quan và tự mình giải thoát cho mình.

Thật vậy, nếu dại khờ để cho tham vọng, phiền não, vô minh ngăn che thì tất cả vật xung quanh sẽ chi phối, ràng buộc ta. Nếu ta biết rõ nguyên lý cấu tạo nên vật, chắc chắn sẽ chuyển đổi được vật. Ví dụ khi chưa biết, cát là vật chướng ngại không dùng được, nhưng khi biết rồi, có thể chế tạo cát thành thủy tinh có ích lợi nhiều mặt.

Con người trong thời đại cổ sơ chưa văn minh, trí khôn chưa phát triển, bị thiên nhiên chi phối. Tuy nhiên, dần dần, người ta phát huy và vận dụng được trí năng vào việc chinh phục thiên nhiên, cuộc sống con người tốt đẹp hơn. Quan niệm tiến hóa từ người lạc hậu thành người văn minh không khác quá trình tu tập của chúng ta. Phấn đấu chinh phục được thiên nhiên hiểu dưới dạng tu tập gọi là chinh phục được nghiệp và phiền não.

Trí tuệ của Đức Phật thấu suốt mọi sự mọi vật tận cội nguồn, trong khi hiểu biết của chúng ta thì nông cạn và giới hạn. Dưới sự hướng dẫn sáng suốt của Đức Phật, những người trực tiếp theo ngài tu tập đều đắc quả La hán dễ dàng. Điều này không có gì thần bí, khó hiểu. Vì công việc khám phá ra chân lý của Đức Phật thật khó. Trong lịch sử, duy nhất có Phật tìm ra chân lý và thể hiện được chân lý. Và khi ngài khám phá được quy luật, các đệ tử trực tiếp với ngài, bắt chước làm theo, thì vấn đề không còn nan giải nữa. Đức Phật được ví như người sáng mắt chỉ rõ hầm hố, cạm bẫy cho đệ tử. Họ đi theo, chắc chắn không bao giờ bị sụp hố.

Tuy nhiên, chúng ta là những người gián tiếp theo Phật phải nương vào giáo pháp tu tập, cần suy nghĩ, cân nhắc sáu điều thành tựu theo Phật dạy. Sáu điều này được ngài Nhật Liên rút gọn còn bốn điều là giáo, cơ, thời, quốc.

Muốn áp dụng điều nào của Phật dạy, phải xét xem còn phù hợp với thời đại chúng ta hay không. Nếu không hợp thời, là lỗi thời lạc hậu mà ta vẫn cứ rập y khuôn, chẳng những không được ích lợi, đôi khi còn tác hại cho đạo. Ví dụ thời Đức Phật tại thế thuộc vào thời bộ lạc tiến sang quốc gia, dân chúng còn sống du mục. Người tu lúc ấy ngủ dưới gốc cây là chuyện thường. Nhưng ngày nay, ở thời đại văn minh, nếu chúng ta sống rập khuôn, cũng ngủ dưới gốc cây, chắc chắn khó coi, không chấp nhận được.

Đức Phật dạy muốn giải thoát thì phải sống hài hòa với xã hội, không được làm khác. Lúc ấy, mọi người đầu trần chân đất và người tu cũng sinh hoạt như vậy, thì không có vấn đề đặt ra. Sử dụng pháp này đúng thời, rõ ràng Đức Phật là một vị lãnh đạo sáng suốt. Nhưng đến thời đại chúng ta đã đổi khác, mà cứ đem mẫu người đó đặt vô y khuôn để theo, sẽ trở thành chướng.

Điều thứ hai, tuy đồng thời nhưng khác quốc độ, giáo lý ứng dụng cũng phải thay đổi theo. Ví dụ như đồng thời hiện tại, nhưng ở Việt Nam, Phật giáo sinh hoạt khác với Phật giáo ở Kampuchia. Ở Việt Nam, các sư ăn cơm chiều là việc bình thường. Nhưng sang Kampuchia, không chấp nhận người tu ăn sau giờ ngọ.

Vì vậy, khác thời, khác chỗ, không nên rập y khuôn theo Phật. Rập khuôn theo là phản Phật. Đức Phật có trí tuệ nhìn thấy đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, ngài nói pháp thích hợp tương ưng.

Tuy nhiên, khi không có Phật, ngài cho phép tập họp chư Tăng để quyết định; từ đó phát sinh pháp quy y Tăng. Lúc ấy, chúng ta có hai tạng luật, một của Phật dạy và một của Tăng đặt. Luật của Tăng đặt là vì trái thời, khác chỗ, phải họp chư Tăng giải quyết. Vì thế, có những bộ Thanh Quy ra đời, đôi khi còn quan trọng hơn Luật. Vì Thanh Quy được soạn ra tuy nương theo Luật Phật, nhưng có sự cân nhắc, phân tích những gì phù hợp với thời đại, với hoàn cảnh đất nước, để những điều luật mới đặt ra hợp tình hợp lý, giúp cho đạo pháp sống còn.

Trên lộ trình tu tập, chúng ta nhận thấy rõ Đức Phật đã thể hiện trọn vẹn ba phương cách phát triển trí tuệ là văn huệ (học), tư huệ (suy nghĩ) và tu huệ (áp dụng vào cuộc sống).

Thật vậy, khi còn là thái tử, Đức Phật rất hiếu học, luôn mong mỏi trở thành con người vạn năng, thuần tịnh, nghĩa là ngài chỉ khao khát trí tuệ và đạo đức. Ngài học đến độ không có sách nào mà ngài không biết. Sử ghi rằng năm ngài 12 tuổi, không có thầy nào dám nhận dạy ngài. Điều này nói lên sự thông minh tuyệt đỉnh của ngài. Thông minh này dĩ nhiên nhờ kèm theo tánh hiếu học. Đức Phật đã phê phán tất cả triết thuyết có trước và đồng thời với ngài, chứng tỏ ngài đã học hỏi, nghiên cứu chúng một cách nhuần nhuyễn.

Sau khi học văn, ngài học võ để rèn luyện cơ thể có sức chịu đựng. Vì vậy, trước khi tu, ngài có cơ thể rất khỏe mạnh và thông minh, không có văn sĩ, võ sĩ nào đọ được với ngài.

Nhìn rõ cuộc đời không còn gì đáng cho ngài học, thái tử mới đi tu, để tìm một cái gì cao quý hơn nhân gian. Trong năm năm tìm đạo cũng là thời gian mà ngài tiếp tục học. Các bậc hiền triết nổi tiếng đều được ngài tham vấn. Nhưng ngài vẫn còn nhiều nghi vấn, vì không ai hiểu biết hơn, không ai đáp ứng được nhu cầu khát ngưỡng giải thoát sinh tử của ngài. Ngài đành rời bỏ họ.

Ngài tự nghĩ dù theo họ đến chết cũng chẳng được lợi lạc gì. Vì thế ngài vận dụng sức khỏe và trí tuệ cho việc nắm bắt chân lý. Đó là giai đoạn sáu năm ngài tu khổ hạnh, 49 ngày Thiền định dưới cội Bồ đề, dồn mọi nỗ lực cho việc tập trung tư duy để phát sinh tuệ giác. Giai đoạn này là tư huệ, ngài suy nghĩ, kiểm nghiệm những gì đã học hỏi.

Sau khi trải qua quá trình ngồi dưới cây Bồ đề quán nhân duyên, thấy tất cả sự vật, ngài mới tiếp tục giai đoạn ba, giai đoạn tu huệ; nghĩa là dấn thân hành Bồ tát đạo. Suốt 49 năm hành đạo của Đức Phật là khoảng đời quan trọng ngài đem gieo hạt giống Bồ đề ở khắp mọi nơi. Đức Phật đến nơi nào giáo hóa đều thành công. Vì ngài thấy đúng, nói đúng, hành động đúng, chọn đúng đối tượng và đúng thời điểm giáo hóa.

Gợi nhắc sơ lại những điểm tiêu biểu của Đức Phật, để thấy rằng chúng ta là người thừa kế của ngài. Thừa kế một trí tuệ siêu việt, một sự nghiệp cao quý chỉ đạo cho nhân loại hơn 2.000 năm. Nếu chúng ta không thể hiện được chút phần nào giống ngài, ắt sẽ có một ngày không xa, xã hội coi ta là hạng tầm gởi bám vào cây Bồ đề, cần phải lột bỏ xuống. Điều này không có gì oan uổng, khi mang danh là đệ tử Phật, nhưng chẳng hiểu gì về Đức Phật, về giáo lý của ngài, cũng như cuộc sống hoàn toàn xa lạ với lời dạy của Đức Phật. Nếu như vậy, rõ ràng ta là cây tầm gởi.

Đức Phật để lại một kho tàng giáo lý phong phú, nhằm mục tiêu giúp mọi người phát triển tri thức và mang ứng dụng vào cuộc sống thì thân khỏe mạnh, tâm trí sáng suốt. Nhưng chúng ta áp dụng sai lầm, khiến cho thân trở thành bệnh hoạn và trí hiểu biết lụn dần.

Tăng Ni cần ý thức sâu sắc rằng chúng ta đang tiến bước trên lộ trình Phật đạo, một con đường giác ngộ, hiểu biết chân chính. Người tu phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp là thế, có trí tuệ thì có tất cả. Bằng mọi cách, phải phát triển tri thức và học vấn của mình. Trang bị vững chắc ý niệm cầu học, chúng ta an trụ trong thế giới tri thức để sống, không lo tranh chấp với người. Đạt được điều này, dù chưa thành Phật, cũng là bậc chân tu không còn hơn thua với đời, luôn tinh tấn phát triển tri thức để nhìn đời cho chính xác.

Siêng năng trau dồi đạo đức, phát huy trí tuệ bằng cách học rộng nghe nhiều, chúng ta không bao giờ ngừng nghỉ. Vì biết nếu ngừng lại, trong khi các bậc Hiền Thánh đang thăng hoa, xã hội đang đi lên, ta sẽ trở thành lạc hậu, tự đào thải mình và tự sát.

Cần lưu ý rằng học để biết, nhưng không phải biết để vướng mắc trong sở tri chướng. Biết để phiền não thì không nên biết. Biết để tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng tri thức, không còn pháp nào trên thế gian này chướng ngại ta, thấy hiện tượng gì chúng ta cũng biết rõ từ nguyên nhân đến kết quả.

Trên tinh thần tiếp thu đúng đắn trí tuệ Như Lai, các bậc danh Tăng tiền bối đã vận dụng giáo pháp vào việc thăng hoa cuộc sống ích nước lợi dân. Các ngài đã giúp cho Phật giáo Việt Nam gần 2.000 năm được quý trọng như ánh sáng soi đường, luôn luôn thể hiện truyền thống tốt đẹp "hộ quốc an dân”.

3. Hồi hướng Chân như thật tướng

Nhờ tu hồi hướng Vô thượng Bồ đề, Đức Phật đạt đến thấy biết chính xác và dùng trí này rọi vào vật. Ngài quan sát nó dưới dạng thể tánh của sự vật, thấy được sự tồn tại của muôn loài qua tiến trình của mười trạng thái khác nhau, gọi là thập Như Thị.

Ở giai đoạn trước còn tu pháp tương đối, nhưng đến giai đoạn hồi hướng Chân như thật tướng, an trú trong tuyệt đối hay trong thể tánh của sự vật, thấy được mọi vật đồng nhất thể và điều động vật dưới dạng thực thể. Trên căn bản này, Đức Phật hành đạo trong tư thế vô công dụng đạo. Ngài vượt qua mọi chống đối, khó khăn, chướng ngại, mà vẫn không rời bỏ bản vị tự tại, giải thoát .

Khi tu, chúng ta phân ra ba phần hồi hướng riêng biệt; nhưng sự thật là thực hành một hạnh đã tác dụng cho hai hạnh kia. Vì cả ba pháp hồi hướng nói trên hỗ tương chặt chẽ với nhau trong thế tương quan tương duyên trùng trùng duyên khởi "Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh”.

Hàng Thanh văn tu thoát ly sinh tử để tìm Bồ đề. Nhưng Đức Phật dạy Bồ tát nếu bỏ chúng sinh đi tìm Bồ đề, không khác gì tìm lông rùa sừng thỏ; vì sự hiểu biết của chúng ta phải phát xuất từ quá trình hành đạo. Nói cách khác, trí phát sinh do cọ xát với đời. Đâu có gì trên cuộc đời không phải là chỗ giác ngộ.

Nếu chúng ta rời bỏ hiện thực này sẽ rớt qua không tưởng. Đây là ý niệm chúng ta cần để tâm suy nghĩ; xa rời thực tế sẽ không thấy đạo. Đạo ở ngay trước mặt, ngay trong lòng chúng ta. Đức Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm rằng Bồ đề ở nơi chúng sinh. Chúng sinh càng cang cường, Bồ tát càng mau đắc đạo. Chúng sinh, chúng sinh nghiệp, chúng sinh phiền não không có, Bồ tát không thể thành tựu Vô thượng Bồ đề. Vì thế, nhìn thấy chúng sinh nghiệp, chúng sinh phiền não, Bồ tát sẵn sàng nhập cuộc để phát triển tài năng, tích lũy công đức.

Khi tu Bích Chi Phật, thấy chính xác. Nhưng theo tinh thần Hoa Nghiêm, đó chỉ là cái thấy trên lý thuyết, có được nhờ học với Phật, nghe và ghi nhận. Giống như học xong, lãnh bằng về treo, không trực tiếp làm việc thì trí bị lụt dần. Hiểu biết chuyên môn cũng dở lần, đến lúc không dùng được.

Trong khi hiểu biết của Bồ tát thì khác hẳn. Bồ tát có được Đạo Chủng Trí nhờ dấn thân vào đời. Trên bước đường tu, thân tâm luôn chạm trán với những điều kiện thuận nghịch, mới pháthiện được chân lý, nghĩa là thấy được sự thật của cuộc đời. Vì thế, càng tiếp cận chúng sinh, trí tuệ càng phát triển, hiểu biết càng chính xác.

Khởi đầu tu Bồ tát đạo, trí tuệ chúng ta từ từ phát sinh, như người mới hành nghề chỉ chữa những bệnh dễ. Và đến lúc không còn bệnh nào không chữa được, thì đạt đến quả vị Vô thượng Bồ đề là hiểu biết cùng tột. Do đó, lo cho chúng sinh và xã hội tốt đẹp đồng nghĩa với tự phát huy Vô thượng Bồ đề. Điều đó cũng có nghĩa rằng hồi hướng chúng sinh chính là hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Và ngược lại, trong khi tu hồi hướng Vô thượng Bồ đề chính là hồi hướng chúng sinh. Vì chúng ta nỗ lực phát triển tri thức đến mức hoàn toàn đúng thì người mới theo học hỏi và chúng ta mới mang lại lợi ích cho họ được.

Ngoài ra, hồi hướng Vô thượng Bồ đề là hồi hướng Chơn như thật tướng, hoặc hồi hướng Chơn như thật tướng là hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Vì nhờ có trí vô thượng quan sát, cảnh chơn như, hay Pháp giới mới hiện ra. Trái lại, nhờ cảnh chơn như làm duyên cho trí mà trí giác Bồ đề phát triển thêm lên. Và trí giác Bồ đề càng phát triển thì kiến tạo cảnh chơn như càng tốt hơn. Lấy thí dụ dễ hiểu, nhờ trí hiểu biết, chúng ta xây dựng được căn nhà. Và khi hoàn thành rồi, chúng ta quan sát lại căn nhà, thấy được chỗ hay dở của nó mà sinh ra nhận thức mới.

Hai phần trí Bồ đề và Chơn như phản chiếu qua lại, tạo thành một thế giới thuần lý, hoàn toàn cách biệt cuộc sống thực tiễn, chưa có tác dụng hữu ích cho chúng sinh. Chúng ta phải hồi hướng Pháp giới chúng sinh, nghĩa là truyền trao hiểu biết vô thượng cho mọi người, để họ sử dụng được quy luật như ta. Đến khi mọi người đều thành Phật, thì công hạnh của chúng ta mới hoàn tất.

Trí Bồ đề và chơn như thật tướng có thể ví như phát minh còn ở trong phòng thí nghiệm. Và hồi hướng chúng sinh là đưa phát minh này ra thực tế sản xuất cho người tiêu dùng, mới thật sự có lợi ích.

Tóm lại, hồi hướng pháp giới chúng sinh, hồi hướng Vô thượng Bồ đề và hồi hướng chơn như thật tướng tác động hỗ tương lẫn nhau, quyện làm một, tạo thành Đức Phật tiêu biểu trên cuộc đời. Chính Đức Phật Thích Ca là người đã kết hợp nhuần nhuyễn ba pháp hồi hướng này.

Khởi tu từ thân tứ đại ngũ uẩn như chúng ta, Đức Phật tu tập, trải qua một quá trình sửa đổi thân tâm đến điểm cao nhất là thành đạo dưới cội Bồ đề. Bừng lên trí giác vô thượng, ngài thấy rõ chân lý tồn tại khách quan thường hằng và phổ biến trong không gian, thời gian.

Từ vị trí của bậc sáng suốt thấy biết muôn sự muôn vật đúng như thật dưới dạng chơn tánh, Đức Phật khởi tâm đại bi. Ngài trở về với thế giới hiện tượng sai biệt của loài người. Ngài dùng tuệ giác rọi vào cuộc đời, triển khai vô số phương tiện. Tùy theo căn cơ, trình độ, khả năng không đồng, Phật giảng nói trăm vạn pháp môn, để mọi người có thể hiểu được, chấp nhận được quy luật thường hằng bất biến. Sau cùng, ngài đưa tất cả mọi người xa rời bến mê, trở về bờ giác.

Đức Phật đã trải qua sự tu tập hồi hướng theo tinh thần và đạt đến Vô thượng Đẳng giác, ngài mới đền đáp dễ dàng và trọn vẹn bốn ân. Vì thành tựu hồi hướng Pháp giới chúng sinh đã bao hàm đầy đủ sự báo hiếu tứ ân. Và thành tựu hồi hướng Vô thượng Bồ đề cùng hồi hướng Chân như thật tướng thì không những người thân như cha mẹ, anh em mà Đức Phật tế độ được đắc quả, mà cả người oán tiêu biểu nhất là Đề Bà Đạt Đa cũng thành Phật.

Vì vậy, thể hiện tinh thần báo hiếu cao tột, trọn vẹn, đầy đủ ý nghĩa nhất của lễ Vu Lan chính là sự tu tập hồi hướng theo kinh Hoa Nghiêm qua ba phương cách đã nêu trên.

Ngày nay, bước theo dấu chân Phật, chúng ta cố gắng kết hợp hài hòa ba pháp hồi hướng nói trên. Chúng ta phát huy tam vô lậu học giới, định, tuệ, để có nhận thức sáng suốt. Từ đó, dấn thân vào hoạt động có lợi ích chung, xây dựng cho mọi người cùng an vui, hiểu biết trong ánh sáng từ bi, trí tuệ, giải thoát của Đức Từ Tôn.

Phật giáo - Bài Kinh Phước Đức
 
Phật giáo - Ý nghĩa của việc vãng sanh
 
Lời dạy của Đức Phật khi suy nghĩ về kiếp người
 
Ý nghĩa ngày xuất gia của Đức Phật Thích Ca
 
Lời Phật dạy về sắc đẹp của hoa Sen

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC