Kinh Phật - Chú Đại Bi
 

Công Năng và Oai Lực của Địa Tạng Bồ Tát


Nói về công năng, oai lực của Địa Tạng Bồ Tát thì bao trùm khắp ba cõi Trời, Người và cõi âm. Nói theo danh từ nhà Phật, oai lực đó là không thể nghĩ bàn. Riêng trong cõi thế gian này, trong hệ thống kinh Phật Đức Thế Tôn thông qua Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện đã cho chúng ta biết rằng bất cứ chúng sanh nào hoặc được nghe danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát rồi chí tâm quy y hoặc cúng dường, chiêm ngưỡng, tô vẽ hình tượng, đảnh lễ Bồ Tát, chắc chắn sẽ đạt được những lợi ích lớn lao sau đây:

cong nang oai luc cua bo tat dia tang

Địa Tạng Bồ Tát

1. Lợi ích trong cuộc sống hiện tại

Những nguyện lớn mau chóng thành tựu: Những ước muốn mong cầu trong đời hiện tại hoặc vị lai, chắc chắn sẽ được thành tựu. Tất cả những ai phát nguyện lớn lao, muốn cứu độ chúng sanh, muốn đạt đạo quả Bồ đề đều được oai lực của Bồ Tát trợ giúp để đạt thành ý nguyện.

Được trí huệ lớn: Đối với những người kém trí nhớ, nghe rồi quên, kinh điển đọc tụng bao nhiêu lần cũng không nhớ nỗi, Phật dạy nên dùng một chén nước trong để trước tượng Địa Tạng Bồ Tát một ngày một đêm rồi chí tâm cung kính quay mặt về phương nam thỉnh nước này để uống, sau đó phải kiêng cử rượu thịt, các thứ hành, hẹ, tỏi... giữ gìn 5 giới trong vòng 7 hoặc 21 ngày sẽ thấy hiệu nghiệm.

Tai Nạn Tiêu Trừ: Tất cả những ai luôn bị tai vạ theo đuổi, thân luôn mang tật bệnh, gia đạo không an, người thân ly tán... Nếu chuyên tâm trì tụng danh hiệu của Bồ Tát từ một muôn biến trở lên, tất cả mọi hoạn nạn sẽ dần dần được tiêu trừ.

Thoát khỏi hiểm nguy: Nếu gặp cảnh ngộ phải xông pha vào chốn hiểm nguy, trước khi ra đi chuyên tâm niệm danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát trên một muôn biến, sẽ thoát khỏi khổ nạn hiểm nguy.

Tiêu tội chướng, bệnh tật: Những người bị bệnh thập tử nhất sinh, nằm liệt giường, sống dở chết dở, đó là do nghiệp-đạo luận tội chưa đi đến quyết định dứt khoát nên khó chết cũng như khó lành. Trong lúc này người thân nên dùng tài sản, vật quý của người bệnh tô vẽ hình tượng, cúng dường Bồ Tát rồi báo cho người bệnh biết cũng như xem ngày tốt xấu liên tục trì tụng kinh này thì người đó vì nghiệp báo mà phải mang lấy bệnh nặng sẽ được hết bệnh, sống lâu, còn như nếu hết nghiệp lúc chết các nghiệp chướng sẽ được tiêu trừ, không còn bị đọa vào ba đường ác mà sẽ được vãng sanh về cõi Trời.

Được quỉ thần hộ vệ: Những người cung kính đảnh lễ, dùng các hình thức văn mỹ nghệ ca ngợi Địa Tạng Bồ Tát, khuyến khích những người khác cùng làm theo như thế, trong đời này cũng như ở những kiếp sau, họ sẽ được trăm nghìn quỉ thần luôn theo hộ vệ ở bên mình, không còn bị mắc vào những tai họa nữa.

2. Lợi ích cho kiếp sau

Thoát khỏi nữ thân: Những người nữ nào không muốn mang thân gái ở kiếp sau, hàng ngày thành kính cúng dường, chiêm ngưỡng, đảnh lễ Địa Tạng Bồ Tát sẽ được như ý nguyện.

Được thân xinh đẹp: Những người nữ hiện tại mang thân hình xấu xí, hay ốm đau bệnh tật trong những kiếp tới sẽ được thân hình xinh đẹp, sinh vào nơi quyền quý cao sang nếu cung kính đảnh lễ, trì niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát.

Thoát kiếp nô lệ: Những người sinh ra trong kiếp tôi đòi, nô lệ nếu thành tâm trì tụng danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát liên tiếp trong 7 ngày, đủ một muôn biến, kiếp tới sẽ không còn sinh vào nơi hạ tiện nữa.

3. Lợi ích trước phút lâm chung

Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện có thể xem là một quyển kinh gối đầu giường, một cuốn chỉ nam cho người Phật Tử khi phải đối diện hoàn cảnh một người thân yêu của mình sắp mạng chung. Đây là giây phút hệ trọng nhất của một linh hồn sắp giã từ cõi thế, khi mà tất cả những ham muốn, dục vọng của cả một đời người tích tụ lại thành một năng lực quyết định cho hướng đến của kiếp tương lai. Giống như sĩ tử trong kỳ thi cuối cùng, đây chính là thời điểm thử thách, cân lường thiện nghiệp, ác nghiệp của một đời người trước khi chuyển kiếp. Trong lúc này, Đức Thế Tôn cho ta biết, "thần thức của người chết đang hôn mê, mờ mịt, những quỉ thần, ma đạo đôi lúc còn biến hình ra cha mẹ, những người thân thuộc để lôi kéo họ vào ác đạo, ngay cả đối với những người đã tạo nghiệp lành trong hiện thế". (Quyển Trung-Phẩm Thứ Tám - Các Vua Diêm La Khen Ngợi). Cho nên vai trò của người thân lúc này rất quan trọng. Họ phải ở bên cạnh người sắp lâm chung, liên tục trì tụng danh hiệu Phật, Bồ Tát làm sao cho lọt được vào lỗ tai người chết, như vậy các ma quỉ, ác thần mới lui tan đi chỗ khác.

Đức Phật cũng cho biết những công việc cần làm của thân nhân trong suốt 49 ngày khi linh hồn người chết đang còn vất vưởng, luôn trông ngóng thân quyến cốt nhục tu tạo phước đức làm hành trang, vốn liếng cho họ được nhẹ bước siêu linh. Nỗ lực chính yếu của thân nhân trong thời gian này nên được thể hiện bằng những hành động tích cực như không được giết hại sinh vật, cúng tế thần linh, ma quỉ. Sau 49 ngày thì người chết sẽ tùy theo nghiệp mà nhận lấy quả báo.

Có lẽ quyển "Tạng Thư Sống Chết" của Phật Giáo Tây Tạng là quyển sách diễn tả một các khá rõ ràng về những giai đoạn biến chuyển của thần thức - hay thân trung ấm (bardo) con người từ giây phút lâm chung cho đến 49 ngày sau đó, phù hợp với giáo lý mà Đức Phật đã diễn nói trong kinh Địa Tạng. Trong phần "Các cảnh báo trước nơi tái sanh" tác giả cho biết: "Những người nào phải sanh vào địa ngục sẽ nghe những tiếng như những lời than vãn và sẽ bị bắt buộc phải đi vào một cách không cưỡng lại được. Sẽ hiện ra những khoảng tối mù mịt, những ngôi nhà màu đen và trắng, những lỗ đen ngòm trong đất, những con đường tối om mà người ta sẽ phải đi theo. Bước vào đó là người ta vào địa ngục và sẽ phải đau khổ vì quá nóng, quá lạnh... và sẽ phải chịu đựng lâu dài mới ra khỏi được". Bởi vậy, đối với người đang hấp hối, sự hiện diện bên cạnh của vị bổn sư hay của một vị thiện trí thức mà đương thời người hấp hối kính trọng, tin tưởng, đọc tụng cho họ những bổn kinh hay trì niệm hồng danh chư Phật, chư Bồ Tát, cụ thể là Bồ Tát Quán Thế Âm hay Địa Tạng Bồ Tát - hoặc vị Bồ Tát nào mà lúc sinh thời người đó đã chọn thờ kính làm vị Đại sư của mình - tương tự như vị thánh bổn mạng của người Thiên chúa giáo - sẽ giúp ích lớn lao cho người chết được mau chóng siêu thăng về cõi Phật.

4. Lợi ích đối với người quá vãng

- Siêu độ vong linh: Tại sao trong giấc ngủ ta nằm mơ thấy ma quỷ, hoặc hình ảnh những người lạ tạo cho ta những ấn tượng lo buồn, hoặc kinh sợ đến đổi phải thở than, khóc lóc hoặc kinh hoảng trong giấc mơ? Đức Phật giải thích cho ta biết đó là do linh hồn những thân quyến của ta đã chết trong kiếp này hay những kiếp trước bị đọa vào ác đạo nên tìm đến ta để mách bảo hy vọng rằng vì tình cốt nhục ta sẽ tìm cách giúp họ thoát ra khỏi con đường ác đạo.

Để giúp cho những vong linh này được siêu độ, Phật dạy ta nên chí tâm đảnh lễ trước hình tượng của chư Phật hay Bồ Tát rồi tự mình đọc tụng kinh này hoặc nhờ người khác đọc tiếp từ 3 đến 7 biến tức thời những linh hồn thân quyến kia sẽ được giải thoát không còn hiện về trong giấc mơ nữa.

- Gặp lại người thân đã quá vãng: Những người nào gặp cảnh cha mẹ mất sớm từ lúc vừa mới sanh ra cho đến trong vòng mười tuổi, hoặc có anh chị em, quyến thuộc đã qua đời, sau này khi họ lớn lên, nhớ tưởng đến những người đã quá vãng? không biết thác sanh về đâu, trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Phật dạy rằng hễ cứ mỗi lần nghe danh hiệu hoặc chiêm ngưỡng hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát thì cung kính đảnh lễ một lần trong suốt một ngày đến 7 ngày, những thân quyến quá vãng dù có bị đọa vào ác đạo cũng được siêu thăng lên cõi Trời. Nếu thực hiện công hạnh này đủ 21 ngày và trì tụng một muôn biến danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát sẽ được Ngài hiện về trong giấc mơ mách bảo cho biết nơi thác sanh hoặc Ngài sẽ dẫn đến tận nơi để gặp lại người thân đã qua đời.

Sự ra đời của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC