Phong tục tập quán
 

Nguồn gốc tục cúng cô hồn và lễ Vu Lan tháng 7 âm lịch


Tục xưa cho rằng tháng Bảy cửa ngục mở ra, âm cung xá tội vong nhân, hồn người chết ở cõi âm được về gặp người sống ở cõi dương gian

Cúng cô hồn là một hoạt động tâm linh tương đối phổ biến tại Việt Nam. Về vấn đề cúng cô hồn, thực ra giáo lý Phật giáo không đề cập đến một cõi sống nào có tên là cô hồn cả. Cô hồn chỉ là cách gọi của dân gian mà thôi.

Tuy nhiên, cúng cô hồn, theo quan điểm Phật giáo, là bố thí cho những chúng sinh đang đói khát. Người con Phật luôn phát tâm từ bi, thương xót mọi loài chúng sinh, đồng thời nguyện tu tạo phước báo bằng cách bố thí và cúng dường.

Theo tín ngưỡng cổ truyền tin rằng con người có hai phần: hồn và xác. Khi chết, hồn lìa khỏi xác, xác bị phân hủy còn hồn sẽ tiếp tục tồn tại. Hồn có thể về trời hoặc đầu thai kiếp khác (làm người hoặc vật ) hoặc bị đày xuống địa ngục tùy theo những điều lành hay dữ mà người đó làm khi còn sống.

Nguồn gốc tục cúng cô hồn và lễ Vu Lan tháng 7 âm lịch

Đại đức Thích Nhật Thiện, ban trụ trì chùa Giác Ngộ cho biết, phong tục cúng cô hồn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là "Phóng diệm khẩu", tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa. Nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và nói trại đi thành "cúng cô hồn", tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái.

Hai ngày lễ cúng lớn trong tháng 7 âm lịch là lễ Vu Lan và cúng cô hồn đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả là đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí.

Phong tục cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà (thường gọi tắt là A Nan) với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu). Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau, A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó.
A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên”.

Phong tục cúng cô hồn và lễ Vu Lan tháng 7 âm lịch

A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Đức Phật bèn cho bài chú gọi là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni”. A Nan đem tụng trong lễ cúng và được thêm phúc thọ…

Phong tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu, với nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”. Về sau, lại được hiểu rộng thành các nghĩa khác như tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân) hoặc cúng thí cho những vong hồn vật vờ (cô hồn).

Tháng bảy Âm lịch còn gọi là tháng "xá tội vong nhân", tức là thời gian các vong hồn được thả tự do. Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí (bố thí) thức ăn cho các cô hồn để mong họ phù hộ cho mình.

Ở Trung Quốc, việc cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14 tháng 7 âm lịch, còn ở Việt Nam thời gian này kéo dài nguyên một tháng, không ấn định riêng ngày nào. Mặt khác dân gian còn gọi tháng bảy là "tháng cô hồn" không đem lại may mắn nên người ta thường tránh khởi sự làm ăn mua bán xây nhà trong thời gian này.

Người Việt trong truyền thống cho rằng ngày 15/7 âm lịch là ngày "mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng tế cũng như quần áo, và một ít tiền vàng, mã, do vậy ngày này là ngày xá tội vong nhân. Khi thực hiện lễ này người Việt cũng nhân đó mà làm lễ cầu siêu cho gia tiên tiền tổ và gửi biếu chút vàng mã cho các chân linh gia tiên nhằm thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với các bậc sinh thành.

Như vậy, trong tháng 7 âm lịch có hai lễ lớn: Lễ Vu Lan và cúng Cô hồn.

Vậy Lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân có phải là một?

Rất nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn điều này và cho rằng, lễ Vu Lan chỉ là tên gọi khác của ngày Xá tội vong nhân - Rằm tháng 7. Trên thực tế đây thực sự là 2 lễ khác nhau, tuy có chung nguồn gốc Phật giáo song xuất phát từ những điển tích riêng biệt.

Lễ Vu Lan, còn được gọi là lễ “Vu Lan bồn” mang tính chất là ngày lễ báo hiếu - một trong những lễ vô cùng quan trọng của Phật giáo.  Lễ Vu Lan gắn với tích về Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật, là một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông.

Vì tưởng nhớ mẹ nên một ngày nọ Mục Kiền Liên dùng đôi mắt thần nhìn xuống địa ngục, thấy mẹ là bà Thanh Đề bị Diêm Vương đày làm quỷ đói do kiếp trước gây nhiều nghiệp ác. Thương mẹ nên ông dùng phép thuật xuống địa ngục để mang cơm dâng cho người. Bà Thanh Đề do lâu ngày nhịn đói nên khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình vì sợ các cô hồn khác đến tranh. Vì còn tính "tham sân si" nên khi bà đưa bát lên miệng, thức ăn đã hóa thành lửa đỏ không thể ăn được. Đau xót khi chứng kiến cảnh này, Kiền Liên cầu xin Đức Phật giúp mình cứu mẹ.

Đức Phật dạy ông rằng một mình con không thể cứu được mẹ do ác nghiệp của bà quá nặng, chỉ còn cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong thành công. Vào ngày rằm tháng bảy, nhân lúc chư tăng mãn hạ (sau 3 tháng an cư kiết hạ) thì sửa một cái lễ đặt vào trong chiếc chậu để dâng cúng và thành khẩn cầu xin mới có thể cứu rỗi vong nhân khỏi địa ngục tăm tối.

Mục Kiền Liên thành tâm làm theo lời Phật dạy, không những cứu được mẹ mà còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung. Từ đó ngoài ý nghĩa "mùa hiếu hạnh", tháng bảy âm lịch còn gọi là tháng "xá tội vong nhân", tức là thời gian các vong hồn được thả tự do. Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí (bố thí) thức ăn cho các cô hồn (tức là vong hồn không có người thân) để mong họ phù hộ cho mình.

Từ đó về sau theo lời Phật dạy, các phật tử muốn báo hiếu cha mẹ thì cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn. Tuy nguồn gốc khác nhau nhưng cả hai lễ cúng lớn trong tháng 7 đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả, đó là đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí.

Câu chuyện về Mục Kiền Liên và ân Cha Mẹ trong "Tứ đại trọng ân” đã làm nên mùa Vu lan báo hiếu của Phật giáo với ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa đạo đức, ý nghĩa xã hội sâu sắc và có tính phổ quát. Bởi đạo đức xã hội, văn hóa, tín ngưỡng hay tôn giáo cũng đều thừa nhận và coi trọng công ơn của các thế hệ trước, của các bậc sinh thành. 
 Lễ Vu Lan báo hiếu cũng là một lễ của Phật giáo. Trong Phật giáo lễ này có vai trò hết sức quan trọng bởi lẽ nó thể hiện một trong "Tứ đại trọng ân” của nhà Phật: 1. Ân Cha Mẹ; 2. Ân Tam Bảo Sư trưởng; 3. Ân quốc gia xã hội; 4. Ân chúng sinh vạn loại.
Ân Cha Mẹ là ân đầu tiên trong tứ ân, Cha Mẹ ở đây không phải chỉ là người sinh thành ra mình mà có thể hiểu là chúng sinh. Bởi khi còn tại thế, một lần trên đường đi thuyết pháp Đức Thích Ca Mu Ni gặp một đống xương khô, Người đã quỳ xuống bái, và Người đã giải thích cho các đệ từ rằng biết đâu người này kiếp trước là cha mẹ ta.

Trong khi đó, lễ Xá tội vong nhân lại đề cao sự ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát còn lảng vảng trên trần gian.

Riêng ở nước ta, người dân thường tổ chức cả hai lễ ấy vào cùng ngày Rằm tháng 7. Chỉ có điều, người phía Bắc thì trọng ngày Xá tội vong nhân hơn còn miền Trung và miền Nam thì đề cao lễ Vu Lan báo hiếu.

Dù là ngày lễ đặc trưng của người Á Đông nhưng ở nước ta, có một phong tục rất cao thượng vào lễ Vu Lan mà không ở đâu có được. Người Việt quy ước, vào ngày Rằm tháng 7, ai còn cha hoặc mẹ thì sẽ cài một bông hồng lên áo, ai đã mất mẹ và mẹ thì cài hoa hồng trắng.

Đa dạng lễ cúng cho cô hồn

Các món đem cúng thường có hương, hoa, đèn, gạo, muối, nước lã... Trong chùa hoặc tại các gia đình có truyền thống Phật giáo, người ta cúng bằng các món ăn chay.

Cúng chúng sinh bằng: kẹo, bánh, khoai, oản khảo, xôi nắm, chuối, muối, gạo, trầu cau, vàng mã… Theo phong tục cổ truyền, mâm cỗ cúng cô hồn này sẽ được đặt trước cửa nhà, chùa, đình. Đồ cúng thường được bày trong một nia lớn.

Nhưng một món đặc biệt hay gặp trong mâm cỗ cúng cô hồn là món cháo loãng. Bởi vì người ta tin rằng: món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường.

Tại các đình, chùa lễ cúng cháo được tổ chức qui mô hơn, có lập đàn tràng cầu siêu cho các vong linh trước khi thí cháo. Tại đây, cháo được đựng trong các bồ đài lá mít cắm dọc theo hai bên vệ đường dẫn vào lễ đài.

Người ta còn vẩy cháo ra hai ven đường để những cô hồn già cả ốm yếu cũng nhận được chút phần. Của ít, lòng nhiều, các bài văn cúng chúng sinh nhắc đến trăm nghìn kiểu chết từ chiến tranh đến trộm cướp, sát phạt nhau vì tiền, vì tình cho đến ốm đau bệnh tật, vận hạn,nghiệp chướng…

Các tư gia, ngoài lễ cúng Thổ Công, cúng gia tiên cũng có cúng cháo cho các cô hồn. Họ bày cúng ở trước cửa nhà. Ðồ lễ đặt trên một cái mẹt thường gồm có cháo hoa, những nắm cơm nhỏ, hoa quả, bánh bỏng, trầu cau, xôi chè cùng với đồ mã.

Xem thêm:

Văn khấn cúng Rằm Tháng Bảy: Cúng cô hồn- Lễ Vu Lan

Những điều kiêng kị và nên làm trong "tháng cô hồn"

Văn khấn cúng lễ tạ mộ và lễ tạ đất ( thần linh thổ địa) 

Kiêng kỵ đầu tháng-Tại sao Kiêng cắt tóc,xuất tiền,thăm gái đẻ?

Loading...

TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC:

 

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC