Phong tục tập quán
 

Tết Đoan Ngọ - Ý nghĩa, tập tục và bài cúng


Tết Đoan ngọ hay Tết Đoan dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống của một số nước Đông Á như Triều Tiên, Việt Nam. Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá.

Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ trưa, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Thời gian này cũng là khi khí dương đang thịnh nhất trong năm. Ở Việt Nam, dân gian còn gọi là Tết giết sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ - Ý nghĩa, tập tục và bài cúng

Vậy Tết Đoan Ngọ là Tết gì?

Theo sách “Phong thổ kí” thì Tết Đoan Ngọ được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Tháng năm âm lịch, theo lối tính 12 chi là tháng “Ngọ.” Trên bầu trời đến tháng năm thì chuôi sao Bắc đẩu quay về Ngọ nên gọi tháng năm là “ngọ nguyệt.”

Xem thêm:

Theo lịch âm dương, Ngày 5 tháng năm gọi là Đoan Ngo. Vì chữ “Đoan” có nghĩa là chính, là thẳng, là mở đầu. Có khi gọi là Đoan Ngũ vì có hai số 5. Người ta còn gọi là Đoan Dương hoặc Trùng Ngũ. Gọi là Đoan Dương vì số 5 thuộc dương. Thời tiết vào dịp mồng 5 tháng năm rất nóng, ở Đông Nam Á châu (đặc biệt Trung Hoa và Việt Nam) đây là thời điểm khí hậu rất nóng, côn trùng và sâu bọ nở ra nhiều, nông dân cần phải tìm cách trừ diệt để bảo vệ cho sự canh tác, trồng trọt. Có lẽ vì sự kiện này mà người ta con xem Tết Đoan Ngọ là “ngày giết sâu bọ” (Bắc Phần Việt Nam)

Các phong tục trong ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan ngọ ở Việt Nam cũng còn gọi là "ngày giết sâu bọ" là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ; giun sán trong người sẽ bị chết hết. 

Tết này đến vào sau vụ mùa. Lúa nếp, bắp đậu và kê khá dồi dào. Nông dân nghỉ ngơi lấy sức. Tại một số tỉnh miền Trung Việt Nam người ta gọi là “ĂN MÙNG NĂM“

Người ta đã làm lễ cúng tổ tiên vào giờ Ngọ, và đi hái lá thuốc vào giờ ngọ (khi mặt trời đứng bóng). Vì tin rằng vào lúc giữa trưa ngày mồng 5-5 tất cả các thứ lá cây đều hấp thụ được một loại khí thiên nhiên nào đó và trở thành dược liệu trị được nhiều thứ bệnh thông thường.

Dùng mắt trần nhìn lên mặt trời, vì tin rằng ánh sáng mặt trời vào thời điểm ấy cũng có tác dụng tốt đối với con mắt. Tại miền Bắc, vào ngày mồng Năm tháng Năm Âm lịch, nhiều nơi có phong tục ăn trứng luộc, ăn kê (chè) bánh đa (bánh tráng). Người lớn cả nam lẫn nữ đều uống một chút rượu có hòa một chút hồng hoàng hoặc tâm thần đan gọi là để “giết sâu bọ” (có lẽ sợ vì khí hậu nóng bức quá mà con người hóa cuồng chăng). Đối với trẻ con, từ sáng sớm, khi chúng còn ngủ, người ta bôi vào thóp thở và ngực, vào rốn một chút hồng hoàng cũng nói là để “trừ khử trùng”.

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, thuở xưa ở các làng xã có tế thần ở đình, đền, ở thôn, xóm thì cúng ở miếu. Tại gia đình thì sửa lễ cúng tổ tiên và cúng Thổ công. Lễ cúng là phẩm vật toàn trái cây. Riêng các gia đình thầy thuốc còn có thêm lễ cúng Thánh sư.
Sau lễ cúng Tết Đoan Ngọ là các tục lệ như tục giết sâu bọ, tục nhuộm móng chân, móng tay, tục tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ ngọ, tục treo ngải cứu để trừ tà... Phần lớn các tục lệ trên nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá mùi và tục đi hái lá thuốc. Nhiều địa phương ở ven sông, ven biển thay vì tắm nước lá mùi thì đúng giờ ngọ họ đi tắm sông, tắm biển gọi là tắm mồng 5.
Ở một số nơi còn giữ tục tết thầy học, tết thầy lang trong dịp này để trả ơn sự dạy dỗ của thầy giáo và đền ơn cứu bệnh của thầy lang.

TẾT ĐOAN NGỌ ĂN GÌ ?

Người ta quan niệm, trong ngày này, các loài sâu bọ đều hoảng hốt, trốn chạy vì nhà ai cũng có bữa cỗ "giết sâu bọ" vào sáng sớm, với hoa quả đầu mùa. Đào mịn lông tơ, mận đủ mùi chua ngọt, chuối ta mập mạp, dưa hấu bổ dọc thành những chiếc thuyền rồng sơn son mịn cát lóng lánh như lân tinh, dứa còn nguyên cái mũ miện xanh rờn óng bạc, nhưng cái lòng nó vàng tươi khêu gợi. Và đương nhiên không thể thiếu món rượu nếp.

Tết Đoan Ngọ ăn gì

Người ta ăn hoa quả để "giết sâu bọ" vào sáng sớm

Thành lệ, cứ đến sáng sớm ngày mồng 5, người ta cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, kê, bánh đa, mận, muỗm, dưa hấu, uống nước dừa... bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn thì uống rượu hòa ít tam thần đơn hoặc bôi phẩm hồng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để trừ trùng.

Trẻ em giết sâu bọ xong khi còn ngồi trên giường, rồi rửa mặt mũi, chân tay xong bắt đầu nhuộm móng tay móng chân, đeo chỉ ngũ sắc. Em gái đến độ tuổi xâu lỗ tai cũng chọn ngày này mà xâu.

Nhiều người mua bùa chỉ đeo cho trẻ con. Bùa kết bằng chỉ ngũ sắc, kết theo hình hoa sen, quả đào, quả ớt... Lại may áo lụa mang đến các cửa chùa, cửa tĩnh in dấu vẽ bùa rồi mặc cho trẻ, có ý trừ ma tà cho khỏi quấy.

Giữa trưa hôm ấy thì làm cỗ cúng gia tiên, rồi đi hái lá mồng năm. Tục hái thuốc mồng 5 cũng bắt đầu từ giờ Ngọ, đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư. Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể, nhất là lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi... đem về ủ rồi phơi khô, để sau đem nấu uống cho rằng uống thế thì lành.

Lại có nhiều người đi lấy lá ngải cứu, năm nào thì kết hình con thú năm ấy, như năm Tý thì kết con chuột, năm Sửu kết con trâu, năm Dần kết con hổ... treo ở giữa cửa, để trừ ma quỷ và về sau ai có bệnh đau bụng thì dùng làm thuốc sắc uống.

VĂN KHẤN CŨNG NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ)

Tín chủ con (chúng con) là: ……………
Ngụ tại: ………………….
Hôm nay là ngày Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ ................, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy).

Loading...

TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC:

 

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC