Phong tục tập quán
 

Văn hóa trầu cau trong đời sống người Việt


Đối với phong tục tập quán của người Việt Nam, một số dân tộc ít người như Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường, Sán Dìu… ở vùng núi phía Bắc đến các dân tộc dọc theo dãy Trường Sơn, Tây Nguyên như Khơ Mú, Bru, Êđê và người Chăm, người Khmer ở Nam Trung bộ, Nam bộ đều có tục ăn trầu cau. Tục ăn trầu giữa các dân tộc có những nét tương đồng, nhưng do không gian văn hóa riêng của từng dân tộc mà có những điểm khác biệt.

tuc an trau cau

Văn hóa trầu cau trong đời sống người Việt

Sự tích trầu cau trong dân gian Việt Nam

Về sự tích trầu cau trong dân gian Việt nam sử sách vẫn truyền lại rằng vào thời xa xưa, có hai anh em nhà họ Cao, một người tên Tân, một người tên Lang (tân lang có nghĩa là cây cau) rất mực thương yêu nhau. Khi cha mẹ qua đời, hai anh em đến trọ học nhà ông thầy họ Lưu.

Thấy Tân và Lang vừa học giỏi, vừa đẹp người đẹp nết, ông thầy yêu quí như con. Cô con gái của thầy cũng đem lòng quyến luyến, muốn chọn người anh làm chồng.

Hai anh em Tân và Lang sát tuổi nhau, dung mạo lại giống nhau như khuôn đúc, cô gái không sao đoán được ai là anh, ai là em. Nhân dịp biếu cháo, cô cố ý chỉ đưa tới một bát cháo với một đôi đũa rồi rình xem, thấy Lang cung kính mời Tân ăn trước cô mới biết Tân là anh, và xin cha được xem ngày cưới hỏi và gá nghĩa cùng chàng.

Vợ chồng Tân và Xuân Phù (tên cô gái, xuân phù có nghĩa là trầu không mùa xuân) sống rất hạnh phúc. Hai anh em Tân và Lang vẫn ở bên nhau, nhưng Lang nhận thấy từ ngày anh có vợ, tình anh đối với mình không còn quyến luyến như xưa, trong khi ấy người anh vô tình không hề hay biết. Ðã thế lại xẩy ra chuyện hiểu lầm.

Một hôm hai anh em đi làm đồng về muộn, Lang về trước, nàng Lưu tưởng chồng, chạy ra vồn vã âu yếm. Lang vội lên tiếng, cả hai đều biết là nhầm nên rất ngượng. Tân về,biết chuyện để dạ nghi ngờ, từ đó tỏ ra lạnh nhạt với em hơn.

Lang buồn tủi âm thầm bỏ nhà ra đi. Chàng lang thang trong rừng cho tới khi kiệt sức, chết đi hóa thân thành cây cau bên bờ suối vắng.

Thấy em không về, Tân ân hận, xót xa. Chàng lặng lẽ lên đường tìm em. Tân cũng đã tới bờ suối nọ, ngồi bên cây cau than khóc. Khi thân xác rũ liệt, chàng chết hóa thân thành tảng đá vôi, nằm sát bên gốc cau.

Nàng Lưu chờ chồng mãi chẳng thấy trở về, quá nhớ thương nên lại đi tìm. Một chiều kia nàng cũng tới được bờ suối định mệnh. Nàng ngồi trên tảng đá khóc miết... đến khi hồn lìa khỏi xác thì hóa thân thành cây trầu không, leo bám trên thân đá.

Gia đình họ Lưu đi tìm con, được biết chuyện bèn xem phong thủy và lập miếu thờ bên sườn núi. Người đương thời rất cảm kích trước tình anh em khăng khít, tình vợ chồng thắm thiết, thủy chung của anh em vợ chồng họ Cao nên thường đến đốt nhang, chiêm bái, cầu cúng.

Một hôm vua Hùng thứ tư nhân dịp tuần du qua đấy, thấy có miếu thờ, lại được dân sở tại kể cho nghe câu chuyện thương tâm kia thì vô cùng cảm động. Ngài bảo lấy trầu cau ăn thử mới khám phá ra một mùi vị thơm cay, nồng ấm, và khi nhổ nước cốt trầu xuống tảng đá vôi lại thấy hiện ra sắc đỏ tươi như máu, nhà vua cho là quý bèn truyền lấy giống về trồng, xa gần bắt chước làm theo. Ngài còn xuống lệnh cho thần dân từ nay sẽ nhất thiết dùng trầu cau trong các dịp cưới hỏi, và trong các buổi hội họp lớn, nhỏ. Tục ăn trầu ở nước ta có từ đó.

Trong phong tục Việt trầu cau vẫn là đầu câu chuyện

Với người Việt Nam, trầu cau không đơn thuần chỉ là một thói quen, tập tục mà còn là yếu tố tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống. Trầu cau là đầu trò của giao tiếp, ứng xử, là sự bắt đầu, sự khơi mở tình cảm khiến người ta gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Trầu cau là lễ vật khởi đầu trong các nghi lễ truyền thống quan trọng như lễ tế tự của các thấy cúng, thầy xem bói trong lễ đình, đền, tang ma, táng tục… Một biểu tượng của tình yêu đôi lứa và tình nghĩa vợ chồng, anh em, gia đình hạnh phúc.
 
Ngày nay, tuy vẫn giữ vai trò quan trọng trong các lễ nghi truyền thống, nhưng trong cuộc sống thường ngày tục ăn trầu đang dần bị mai một. Bộ dụng cụ ăn trầu dường như không còn được coi như “vật bất ly thân” của nhiều người mà đã thành ký ức. Theo bà Nguyễn Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, văn hóa trầu cau là đề tài nghiên cứu ở nhiều bảo tàng. Thói quen ăn trầu hiện chỉ còn tồn tại ở thế hệ người cao tuổi, chủ yếu ở nông thôn. Nhiều tộc người vẫn giữ được tục ăn trầu, điều đó thể hiện ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cho nên, dẫu có mai một, không xuất hiện thường xuyên nhưng tục ăn trầu vẫn được tiếp nối trong việc hiếu, việc hỉ…

Nhiều người cho rằng, nên chăng có những công trình khoa học nghiên cứu về tác dụng của ăn trầu, như ăn trầu tạo hưng phấn hay cho người huyết áp cao… từ đó có thể góp phần bảo tồn, gìn, giữ tục ăn trầu cau đến mai sau.

Ăn trầu cũng là nghệ thuật

Miếng trầu không chỉ là để nhai chơi mà đã được nâng lên thành nghệ thuật. Cách têm trầu cũng thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế. Tùy từng hoàn cảnh mà trầu được têm theo mỗi cánh khác nhau với ý nghĩa biểu trưng khác nhau: trầu cánh phượng, cánh kiến, cánh quế, mũi mác. Miếng trầu đã têm còn thể hiện nét tài hoa, khéo léo và tính nết của người têm. Đặc biệt, trầu têm cánh phượng là biểu tượng cho sự duyên dáng, quyến rũ và khéo léo của phụ nữ Việt Nam.

Từ lá trầu, quét một ít vôi tôi vào đầu lá kèm theo một miếng cau cho vào miệng nhai nát. Ngoài ra, có thể thêm vỏ chay, vỏ quạch, vỏ quế và thuốc lào. Khi nhai, hương vị của hỗn hợp trầu – cau – vôi sẽ làm cho người nhai trầu có cảm giác cay cay và hơi say. Trong lúc nhai trầu, để tẩy cổ trầu và xác trầu bám vào răng, người ta có thể dùng một nhúm nhỏ thuốc lào (còn gọi là thuốc xỉa) để chà răng.

Mới đây, cuộc trưng bày lần đầu tiên về Văn hóa TRẦU CAU Việt Nam với những bộ dụng cụ ăn trầu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã giúp khách tham quan trong và ngoài nước phần nào hồi tưởng và hình dung một cách đầy đủ những khía cạnh văn hóa qua thời gian của tục ăn trầu ở Việt Nam.

Trong xã hội cũ, bộ dụng cụ ăn trầu thể hiện rõ đẳng cấp người sử dụng. Với tầng lớp bình dân, bộ dụng cụ này được tạo tác đơn giản, từ chất liệu dễ kiếm như tre, gỗ, đồng, gốm, vải… Ngược lại, đối với tầng lớp quý tộc, bộ dụng cụ thường được làm bằng chất liệu quý, việc tạo dáng, trang trí hết sức độc đáo, cầu kỳ, tinh xảo trở thành những tác phẩm mỹ thuật giá trị.

Loading...

TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC:

 

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC