Phong tục tập quán
 

Dòng họ 5 đời liên tục đỗ Tiến sĩ với ngôi mộ thiên táng


Nằm bên dòng sông Cầu, dòng họ Ngô ở làng Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) là 1 trong Tứ lệnh tộc xứ Kinh Bắc xưa. Bởi lẽ, đây là dòng họ từng được vua ban chữ vàng khen thưởng vì có thành tích học tập “ngũ đại liên trúng”, tức 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa.

dong ho 5 doi lien tiep do tien si

Dòng họ 5 đời liên tiếp đỗ Tiến sĩ

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng dòng họ Ngô không phải chỉ có 5 đời mà có tận 8 đời đỗ đại khoa liên tiếp, trong đó có Phụ tử đồng khoa đăng giáp (hai cha con cùng đỗ một kỳ thi) duy nhất trong lịch sử khoa bảng ở Việt Nam.

Ông Ngô Văn Hảo, trưởng họ cũng là người trực tiếp đảm nhiệm việc hương khói cho tổ tiên kể cho chúng tôi nghe những giai thoại về họ Ngô lệnh tộc.
Khoảng 500 năm trước, cụ Ngô Nguyên hiệu là Quảng Bình di cư về làng Vọng Nguyệt sau vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (năm 1442). Tương truyền rằng, cụ có quan hệ họ hàng với bà Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ của vua Lê Thánh Tông).

Cụ Ngô Nguyên được vị quan họ Chu đùm bọc, cho nương nhờ, sau xem tuổi vợ chồng và gả con gái là cụ Chu Thị Bột (tức cụ Thí Thóc) cho. Hai người có với nhau 2 con trai. Sau này khi vụ án Lệ Chi Viên được làm sáng tỏ, Nguyễn Trãi và những người liên quan được minh oan cụ Ngô Nguyên trở về kinh tiếp tục phò vua giúp nước, đi biệt không về.

1. Giai thoại về cụ tổ Thí Thóc và ngôi mộ thiên táng

Nói về cụ tổ bà Chu Thị Bột, đây là người con gái giỏi giang, hay lam hay làm lại cần kiệm nên chẳng bao lâu của cải trong nhà kể không xiết. Khi ấy cả vùng Kinh Bắc mất mùa, dân làng đói khát, cụ Bột đã dùng số thóc của mình để phát chẩn cứu đói, nhờ đó, nhiều người đã thoát khỏi nạn đói. Vì thế người dân trong vùng từ đó gọi cụ là cụ Thí Thóc.

Nhưng thật không may, khi cụ bà cho vay hết thóc lúa và tiền bạc thì mất mùa vẫn liên tiếp xảy công với dịch bệnh hoành hành nên cụ lâm bệnh nặng. Biết mình không thể qua khỏi, cụ Thí Thóc dặn con cháu, khi ta chết, hãy đem chôn ở cánh đồng Hàn Phấn. Sau đó cụ qua đời ngày 17 tháng Giêng. Con cháu y lời dặn đợi đến đêm tối thì đưa cụ bà đi chôn cất. Đi đến cánh đồng Hàn Phấn thì mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đoàng, dây thừng khiêng bị đứt và không thể tiến hành chôn cất được.

Thấy thế, con cháu bảo nhau tạm để cụ ở đó mà ra về, đến sớm ngày mai ra chôn cất. Sáng sau, khi mưa tạnh gió hòa, tất cả họ hàng thân thích ra chỗ để thi hài của cụ đêm trước thì đã thấy mối đùn cao thành đống mồ. Tất cả cho rằng trời cho mảnh đất thiêng nên cứ thế xem ngày tốt xấu và đắp thành mộ, gọi là mộ thiên táng. Nhiều người cho rằng, chính vì được thiên táng nên cụ tổ bà càng thêm linh nghiệm phù hộ cho con cháu họ Ngô được hiển vinh lâu dài trên đường học vấn.

Thời gian sau đó, vua Lê sau khi được nghe giai thoại mộ thiên táng và bà Thí Thóc nên đã phong tặng 4 chữ vàng “Phụ tiết tinh môn”. Con cháu của cụ Thí Thóc và dân làng nhớ ơn cứ đến ngày 17 tháng Giêng đều đến thắp hương và hát ca trù. Đến nay, mộ thiên táng của cụ Chu Thị Bột nay vẫn còn di tích nguyên trạng. Năm 2008 cả họ xây lăng cho cụ theo mẫu 8 phương 10 hướng 4 cửa chính ra vào.

Lại nói về hai người con trai của cụ Chu Thị Bột và cụ ông Ngô Nguyên, từ thuở nhở đã phải sống trong cảnh mẹ góa con côi, rồi mẹ mất sớm, phải nương nhờ bên ngoại. Cụ Ngô Ngọc – con trưởng chuyên tâm học hành, vượt khó, sớm khuya đèn sách. Đến năm 33 tuổi, cụ đỗ khoa thi Đinh Mùi, đời Hồng Đức vua Lê Thánh Tông 1487, cũng là người khởi đầu cho sự nghiệp khoa bảng cho làng Vọng Nguyệt. Con thứ là Ngô Định di cư vào mạn Diễn Châu (Nghệ An).

Họ Ngô lệnh tộc chính thức phát về đường khoa bảng từ đời cụ Ngô Ngọc. Tiếp theo các con của con thứ hai của cụ Ngô Ngọc là Ngô Nhân Hải (chưa rõ năm sinh, mất) đỗ đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn (1508); cháu nội cụ Ngô Nhân Hải là Ngô Nhân Trừng (1539-1593) đỗ đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn (1580); con trai trưởng của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt (chưa rõ năm sinh, mất) đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa thi Đinh Mùi (1607); con trai thứ của Ngô Nhân Triệt là Ngô Nhân Tuấn (1595-?) đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa thi Canh Thìn (1640).

Tính từ thời cụ Ngô Ngọc đến khoa thi Hán học cuối cùng của triều Nguyễn đã có 5 vị liên tiếp (1487 – 1640) đỗ đại khoa thời Lê và nhiều người đỗ Tú tài (59 vị).
Nhà bác học Phan Huy Chú còn phải thốt lên: “Họ Ngô lệnh tộc làng Vọng Nguyệt kể từ cụ Ngô Ngọc đỗ chính bảng thời Hồng Đức, cả thảy có 5 đời đỗ Tiến sỹ thực là hiếm có xưa nay!

Nói đến nhánh thứ 2 của họ Ngô lệnh tộc đứng đầu là cụ Ngô Định di cư vào mạn Diễn Châu (Nghệ An) cũng học hành chăm chỉ và 3 đời sau liên tiếp đỗ Tiến sỹ. Nổi tiếng nhất cụ Ngô Trí Hòa, đỗ khoa Nhâm Thìn năm Quang Hưng thứ 15 (1592) đỗ Tiến sĩ (Hoàng giáp). Cụ từng giữ chức cao nhất là Hộ Bộ Thượng Thư kiêm chức Tế Tửu Quốc Tử Giám. Như vậy tính tổng 2 nhánh thì họ Ngô lệnh tộc có 8 đời liên tục đỗ Tiến sỹ.

Họ Ngô lệnh tộc Nghệ An và Bắc Ninh vẫn giữ mối liên hệ họ hàng khăng khít. Và cả hai đều được vua ban chữ vàng “Quang huy tụ”, nghĩa là ánh sáng huy hoàng tụ lại ở nhà thờ họ Ngô và tỏa đi muôn phương. Mới đây nhà thờ họ Ngô lệnh tộc ở Nghệ An đã được Nhà nước công nhận Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia.

2. Dòng họ đại học nằm ven sông Cầu

Làng Vọng Nguyệt xem phong thủy thấy với địa thế không thuận lợi, đồng cao thì nhỏ hẹp và đất bạc màu, đồng chiêm thì lầy thụt yếm khí khó khăn cho sản xuất. Cũng có lẽ bởi vậy nên con em trong làng nói chung và họ Ngô lệnh tộc nói riêng rất chăm chỉ học hành thành tài. Con cháu họ Ngô di cư ra Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương…nối tiếp truyền thống của ham học của ông cha không ngừng phấn đấu. Các gia đình đều cố gắng cho con em đi học, thậm chí có nhiều nhà còn bán đất cho con thi đại học.

Để khuyến khích việc học tập, từ xưa dòng họ quy định với những người học hành từ tú tài trở lên được được thờ tại từ đường họ, án thờ bên trái.

Năm 1990, một người con của dòng Ngô lệnh tộc là PGS-TS Ngô Quý Ty (Bộ Quốc Phòng) đã về quê khởi nguồn xây dựng phong trào gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học họ Ngô lệnh tộc ở Vọng Nguyệt. Đây là phong trào khuyến học của dòng tộc ra đời sớm nhất Hà Bắc sau có rất nhiều tổ chức khuyến học trong tỉnh học hỏi noi theo.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ông Ngô Văn Hảo, đầu năm 2012, dòng họ Ngô đã có trên 200 cử nhân trở lên nhiều người có học vị Thạc sỹ, Tiến sỹ, nhiều người học hàm Giáo sư… Trong đó, có con trai ông Ngô Quý Ty từng đạt Huy chương Bạc Olimpic Vật lý Quốc tế. Vinh dự nhất là chi thứ của dòng họ Ngô ở Diễn Châu có ông Ngô Quang Xuân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam 2008, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc - Bố của Hoa hậu thế giới người Việt Ngô Phương Lan.

Trăn trở trước mắt của ông trưởng họ Ngô Văn Hảo và con em họ Ngô lệnh tộc là nhà thờ họ Ngô trong Diễn Châu (Nghệ An) thì đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, nhưng nhà thờ tổ ở Vọng Nguyệt do thiếu một số thủ tục nên mới dừng ở di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tâm nguyện của cả họ Ngô ở Vọng Nguyệt là phải sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết, phối hợp với cơ quan chức năng đề nghị cấp có thẩm quyền đây là di tích sử văn hóa cấp Quốc gia.

Một khi được công nhận Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia, truyền thống quý báu của họ Ngô lệnh tộc ở Vọng Nguyệt sẽ càng thêm rạng rỡ, thành tiền đề cho những thành viên trong họ nuôi dưỡng khát vọng vươn lên trên con đường học vấn, cống hiến thật cho quê hương đất nước.

Loading...

TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC:

 

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC