Phong tục tập quán
 

Hà Nội – Phong tục con gái sinh ra không mang họ bố


Nhiều đời nay, ở một làng ngoại thành Hà Nội có một tục lệ rất đặc biệt. Con gái sinh ra không mang họ cha. Xoay quanh phong tục này có nhiều câu chuyện vừa bi vừa hài.

con gai sinh ra khong mang ho cua bo

Xã Cộng Hòa với phong tục con gái không mang họ bố

1. Con gái không mang họ bố

Ngôi làng này chính là làng So, xã Cộng Hòa, Quốc Oai, Hà Nội. Tục lệ này bắt nguồn từ đâu? Tại sao con gái sinh ra lại không mang họ cha đẻ

Khi đề cập đến vấn đề này, ông Hoàng Khắc Được, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Cộng Hòa cũng tỏ ra băn khoăn.

Gần 70 tuổi đời, từng làm bí thư xã năm 1978, rồi làm Chủ tịch xã Cộng Hòa năm 1992, được coi là người ghi chép lịch sử làng, nhiều lần cất công tìm hiểu, thậm chí xem ngày tốt xấu lên cả Viện nghiên cứu Hán nôm để hỏi về tập tục lạ của làng nhưng cho đến nay ông vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Ông kể, làng So nay là xã Cộng Hòa, trước đây có khoảng 37 – 38 dòng họ. Trong đó, nổi lên bốn dòng họ lớn là họ Vương Xuân, Vương Đắc, Vương Sỹ và Nguyễn Hữu. Theo tập tục ở làng thì con gái sinh ra không mang họ cha, mà lấy theo dòng họ đệm.

Ông Được lấy dẫn chứng, nếu trong dòng họ Vương Xuân, thì con gái sinh ra lại lấy họ Xuân Thị, hay dòng họ Vương Đắc thì con gái lại mang họ Đắc Thị. Vì vậy, con gái làng so thường có những họ rất đặc biệt như Xuân Thị Mai, Sỹ Thị Nguyệt, Hữu Thị Ngà, Sỹ Thị Miện…

Theo như ông Được lý giải thì chữ Vương, Nguyễn đứng đầu không phải là họ mà chỉ là tên đệm, chữ Xuân, Sỹ, Đắc Hữu ở giữa mới là họ chính.

Ông bảo: “Nhiều đời nay, làng So đã có tục lệ này, cũng không ai biết tục lệ này bắt nguồn từ đâu, có từ bao giờ. Gia phả của làng hay các vị cao niên cũng không hề nhắc tới”.

Với tục lệ đặc biệt này ngay cả các cụ cao niên trong làng cũng không ai giải thích được tại sao lại có tập tục kỳ lạ đó.

Ông Nguyễn Đăng Lộc, 81 tuổi ở thôn 1, xã Cộng Hòa xem tuổi vợ chồng kết hôn và sinh được 6 người con, (4 trai, 2 gái). Trong đó, hai người con gái của ông từ khi sinh ra đến lúc lập gia đình vẫn mang họ Đăng Thị Xuân, Đăng Thị Nghi…

Ông Lộc khẳng định: “Việc con gái sinh ra không mang họ cha không phải vì phân biệt đối xử mà đó là tập tục từ ngàn xưa đã có ở làng này”.

Lý giải về phong tục của làng, ông Nguyễn Danh Hữu, thủ từ của đình làng So cho hay, đại đa số con gái làng So khi sinh ra đều lấy tên đệm của bố làm họ. Việc lấy tên đệm của bố đặt làm họ cho con gái một phần là để phân biệt các chi nhằm giúp cho mọi người biết đó là thuộc con gái của dòng họ nào.

2. Mơ hồ về nguyên nhân

Xoay quanh tục lệ đặc biệt ở làng So, có nhiều câu chuyện đồn đoán khác nhau được thêu dệt. Có người bảo, trước đây ở làng So có một vị quan làm việc trong triều đình, do phạm phải sai lầm mà bị chu di tam tộc dẫn đến việc phải thay tên đổi họ. Hay một số ý kiến lại lại cho rằng, sở dĩ có việc con gái không mang họ cha là do người gốc Hoa di cư đến sinh sống. Tuy nhiên, tất cả những lời đồn đoán này đến nay vẫn không có một tài liệu nào chứng minh.

Thời kỳ còn đương chức Bí thư xã Cộng Hòa (năm 1978) ông Hoàng Khắc Được cho biết, có nhiều đơn vị về tận địa phương xác minh lý lịch của dòng họ Vương, cũng có người hoài nghi  người làng So  là người Việt gốc Hoa di cư đến nhưng tôi đã lên tận Viện nghiên cứu Hán nôm tìm hiểu hoàn toàn không như những gì đồn đại mà đó là tục lệ của làng từ rất lâu đời. Con gái sinh ra đều mang họ như vậy.

“Có nhiều đơn vị về xác minh lý lịch của dòng họ Vương, có khi một ngày phải tiếp vài đoàn chỉ để xác minh tên tuổi. Chúng tôi đều phải xác nhận cho công dân mình”. ông Được nhớ lại.

Ông Được cũng khẳng định, về pháp lý, hộ tịch hộ khẩu, việc con gái sinh ra không lấy theo họ cha thì nhiều đơn vị không công nhận và thường nghĩ đó là con nuôi chứ không phải con đẻ.

Ông kể, có nhiều trường hợp các cháu tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng xin vào cơ quan, công ty của nước ngoài họ không nhận vì giấy khai sinh bố một họ, con một họ. “Hầu hết những trường hợp này phải xin giấy xác nhận của xã công nhận các cháu là con đẻ chứ không phải là con nuôi”. Ông nói.

Do tập tục đã có từ nhiều đời nay, nên ở xã Cộng Hòa không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ xã cũng đặt tên con theo thói ngược đời.

Ông Vương Sỹ Hồng, Phó chủ tịch xã Cộng Hòa có một người con gái đặt tên là Sỹ Thị Dung. Ông Hồng thừa nhận, nếu giấy tờ tùy thân xét cho đúng thì con gái không mang dòng họ của bố, nhiều người cho rằng đó không phải là con đẻ mà là con nuôi, nhưng phong tục có từ hàng trăm năm nay.

Hay như trường hợp của chị  Sỹ Thị Hải, giáo viên trường Mầm non Cộng Hòa là một trong những người gặp nhiều chuyện rắc rối trong việc không mang họ cha. Trong giấy khai sinh, chị Hải là con ruột của ông Nguyễn Sỹ Thái, tuy nhiên, khi xin việc, nhiều cơ quan không chấp nhận hồ sơ của chị Hải vì cho rằng chị là con nuôi.

Ông Vương Đắc Thủy, Chủ tịch xã Cộng Hòa cho biết: “Chính quyền đã nắm được những bất cập trong việc đặt tên họ nên hầu hết những trường hợp  người dân làng So gặp vướng mắc trong vấn đề thủ tục xin việc chỉ cần quay về địa phương xin xác nhận  đều được tạo điều kiện giải quyết. Từ khi có nghị định của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Chúng tôi đã hướng dẫn vận động người dân đặt tên con đúng họ bố mẹ. Trong vòng 2 năm nay, xã tiếp nhận, giải quyết đơn xin đổi họ cho gần 2000 công dân”.

 

Loading...

TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC:

 

DANH SÁCH CHUYÊN MỤC

DANH MỤC